Chốt phiên giao dịch ngày 10/5, chỉ số Dow Jones cộng 125,08 iểm (tương đương 0,32%) lên 39.512,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,16% đạt mức 5.222,68 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,03% xuống còn 16.340,87 điểm.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng có một tuần tăng điểm. Dow Jones leo dốc 2,16%, chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong gần 5 tháng và là tuần tăng thứ tư liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq Composite đều có tuần tăng thứ ba liên tiếp, với mức tăng tương ứng là 1,85% và 1,14%.
Đà tăng của cổ phiếu trong phiên đã bị hạn chế một phần sau khi số liệu niềm tin tiêu dùng công bố trong buổi sáng ngày 10/5 cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng mạnh.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 5 vừa được Đại học Michigan công bố cho thấy mức điểm 67,4, thấp hơn nhiều so với dự báo 76 điểm được các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, đồng thời là mức thấp nhất trong khoảng 6 tháng gần đây.
Chiến lược gia cấp cao Brian Nick của công ty Macro Institute nói rằng dữ liệu mới nhất có thể là một dấu hiệu cho thấy cả nền kinh tế và “lạm phát đều đang không đi đúng hướng”.
Vị chiến lược gia này nêu rõ: “Nguy cơ đến từ cả hai phía. Giới đầu tư lo ngại rằng tình hình hiện tại tồi tệ hơn thực tế và sẽ tiếp tục xấu đi, đồng thời, họ cũng lo lắng về lạm phát. Đây không phải là điều kiện thuận lợi cho cổ phiếu hay trái phiếu”.
Theo chuyên gia Nick, triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi sự giảm tốc của tiêu dùng và thị trường việc làm.
Trong các phiên giao dịch gần đây, nhà đầu tư Phố Wall đã lạc quan hơn sau khi Fed khẳng định động thái tiếp theo khó có thể là tăng lãi suất. Ngoài ra, dữ liệu việc lạm phát hạ nhiệt cũng nâng triển vọng của thị trường trong năm nay.
Trả lời đài CNBC hôm 10/5, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari và Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee đều tuyên bố Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp cận chính sách tiền tệ một cách kiên nhẫn trong bối cảnh nỗi lo lạm phát vẫn còn dai dẳng.
“Chúng tôi đang ở chế độ chờ xem. Hãy thu thập thêm nhiều dữ liệu để xem liệu lạm phát sẽ tiếp tục tăng nhiệt hay đang chững lại. Tất cả các quan chức Fed đều cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”- ông Kashkari nói.
Trong khi đó, ông Goolsbee hy vọng xu hướng thiểu phát trong năm 2023 có thể lặp lại trong những tháng còn lại của năm nay.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê mới nhất cho thấy thị trường việc làm yếu đi cũng gia tăng niềm tin của thị trường rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu vẫn rất nhạy cảm với các số liệu kinh tế Mỹ. Bất kỳ dữ liệu nào cho thấy nền kinh tế tiếp tục tăng nóng đều làm lu mờ kỳ vọng giảm lãi suất của Fed và gây bất lợi cho giá cổ phiếu.
Tuần tới, thị trường sẽ đối mặt với một bài kiểm tra thực sự khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được Bộ Lao động Mỹ công bố.
Chuyên gia Glen Smith, Giám đốc đầu tư tại GDS Wealth Management, cho biết số liệu CPI sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Fed trước khi đưa ra quyết định về lãi suất trong năm nay.
“Nếu số liệu CPI đang có xu hướng giảm về sát mục tiêu 2% của Fed, nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào tháng 7. Chúng tôi còn kỳ vọng vào kịch bản lạc quan nhất, đó là lạm phát giảm mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Fed thực hiện 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay" - ông Smith lưu ý thêm.