Dow Jones vọt gần 400 điểm, chứng khoán Mỹ dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng hơn 1%.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều khép tuần giao dịch trong sắc xanh. Ảnh: Reuters
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều khép tuần giao dịch trong sắc xanh. Ảnh: Reuters

Thị trường Phố Wall khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 3/3, khi lợi suất trái phiếu giảm sau nhiều phiên tăng liên tiếp gần đây và nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm về những đợt tăng lãi suất đã có của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng như các phát biểu trong tuần của một số quan chức Fed.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 387,40 điểm (tương đương 1,17%) đạt mức 33.390,97 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 1,61% lên mức 4.045,64 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,97% lên 11.689,01 điểm.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên trong phiên cuối tuần 3/3. Cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất, trong khi đó nhóm tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ viễn thông cùng thêm hơn 2%.

Trong ngày 3/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về dưới mức 4%. Đây là ngưỡng mà các nhà giao dịch đã theo dõi sát sao trong tuần này, vì là mốc quan trọng có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo mới trên sàn Phố Wall. Thị trường cổ phiếu đã sụt mạnh trong những phiên trước đó khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4%.

Lợi suất 10 năm này được các tổ chức tài chính lớn dùng làm tham chiếu khi tính toán lãi suất cho vay thế chấp mua nhà và mua xe hơi. Vì vậy, việc lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm tăng hay giảm sẽ có tác động đáng kể đối với nền kinh tế.

Nhận định với CNBC, chiến lược gia trưởng Yung-Yu Ma của công ty BMO Wealth Management cho biết: “Thị trường chứng khoán hiện nay rất nhạy cảm với lợi suất trái phiếu và đang kỳ vọng Fed tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ. Sau loạt số liệu gây quan ngại vào tháng trước, nhà đầu tư đang lo lắng về những số liệu việc làm và giá cả sắp được công bố. Nếu các số liệu không quay lại xu hướng hạ nhiệt, thị trường khó có thể đi lên bền vững”.

Tuy vậy, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng khép tuần giao dịch trong sắc xanh. Tính chung trong tuần, Dow Jones tăng 1,75%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tục. S&P 500 leo dốc 1,9% trong tuần, chứng kiến tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần trở lại đây. Còn chỉ số Nasdaq Composite của cộng 2,58% trong tuần qua.

Tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có kỳ hạn bắt đầu hạ nhiệt sau những bình luận từ các quan chức Fed làm dịu nỗi lo về lạm phát và lãi suất, giảm bớt nỗi e ngại của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế được công bố ngày 3/3 cho thấy nhu cầu dịch vụ ổn định, với chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) từ Viện Quản lý Cung ứng và S&P Global cho thấy hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục mở rộng ngay cả khi giá đầu vào hạ nhiệt.

Thị trường chứng khoán hôm 2/3 phục hồi mạnh sau khi Chủ tịch Fed tại  Atlanta Raphael Bostic phát biểu rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên tiếp tục nâng lãi suất thêm ở mức 0,25% thay vì bước nhảy 0,5% mà một số quan chức khác ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Christopher Waller, một trong 7 thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, đặt ra khả năng lãi suất sẽ tăng lên mức cực đại cao hơn nếu các con số lạm phát không dịu đi. Ông đề cập đến báo cáo việc làm tháng 1 với con số việc làm mới là 517.000 công việc, cao hơn nhiều so với dự kiến, cũng như các báo cáo mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đều giảm chậm hơn kỳ vọng.

“Nếu những thống kê này tiếp tục xuất hiện với con số quá nóng, lãi suất chính sách sẽ phải tăng cao hơn nữa trong năm nay để đảm bảo rằng chúng ta không để mất đà giảm lạm phát đã có trước khi các số liệu tháng 1 được công bố” - ông Waller nói.

Nhà kinh tế trưởng David Rosenberg của công ty Rosenberg Research, cho rằng sàn Phố Wall sẽ chứng kiến một đợt phục hồi bền vững khi thị trường lao động bắt đầu thu hẹp lại.