Trong bài trả lời phỏng vấn được kênh RBC đăng ngày 29/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết:"Theo kế hoạch mà Nga nắm được, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ nhận được giấy phép hoạt động trong năm tới, muộn nhất là vào cuối quý II/2022. Nếu cơ quan chức năng Đức và Ủy ban châu Âu thúc đẩy quá trình cấp chứng nhận cho dự án của Nga, việc xuất khẩu khí đốt qua tuyến đường ống này sẽ được thực hiện sớm hơn”.
Trước đó, hôm 28/12, phía Nga nói rằng việc Liên Minh châu Âu (EU) chưa phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khiến người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên vì phải trả mức giá thành cao hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Ba, Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov cho biết người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên khi Dòng chảy phương Bắc 2 bị “đóng băng”.
Đại sứ Chizhov khẳng định tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom hiện có đủ nguồn khí đốt và đủ tiềm lực để cung cấp cho châu Âu thông qua các tuyến đường ống hiện hữu qua Ukraine hoặc Ba Lan. Tuy nhiên, ông Chizhov lưu ý rằng cách thức vận chuyển này sẽ khiến giá thành đến tay người dùng ở châu Âu đắt hơn bởi khách hàng sẽ phải trả thêm phí vận chuyển cùng các khoản chi phí khác, độ tin cậy của quá trình vận chuyển khí đốt cũng thấp hơn.
Theo Đại sứ Chizhov, thời điểm cấp phép hoạt động cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là vấn đề chính trị của châu Âu chứ không liên quan tới vấn đề kỹ thuật hay pháp lý. Ông Chizhov cũng nhấn mạnh rằng việc trì hoãn phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khiến người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên, bởi khí đốt vận chuyển qua tuyến đường ống này được thực hiện theo các hợp đồng dài hạn, vì thế giá khí đốt sẽ cạnh tranh và rẻ nhất.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev vừa kêu gọi sớm đưa vào vận hành Dòng chảy phương Bắc 2, và nói rằng việc “đóng băng” dự án sẽ không có lợi cho cả hai bên. Đại sứ Nechaev bày tỏ hy vọng rằng chính phủ mới của Đức sẽ cấp giấy phép cho Dòng chảy Phương Bắc 2 - một dự án được kỳ vọng sẽ tăng thêm nguồn cung năng lượng cho châu Âu.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bị Mỹ và một số quốc gia Đông Âu, bao gồm Ba Lan và Ukraine, phản đối khi cho rằng tuyến đường ống này sẽ khiến EU phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, quốc gia cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khối. Tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, đã hoàn thành vào ngày 10/9, vẫn đang chờ giấy phép hoạt động của Berlin và Brussels.
Để bắt đầu vận hành chính thức, Nord Stream 2 AG - nhà điều hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý của Đức vốn đang kiểm tra dự án về việc tuân thủ Chỉ thị về khí đốt của EU. Tuy nhiên, hôm 16/11 vừa qua, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức đã đình chỉ quá trình cấp chứng nhận do nhà điều hành Nord Stream 2 AG, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ phải đăng ký một công ty con tại Đức. Quá trình cấp chứng nhận sẽ nối lại sau khi mọi thủ tục hoàn thành.
Cơ quan quản lý năng lượng Đức hôm 16/12 cho biết "sẽ không có quyết định nào" về việc cấp phép thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong 6 tháng đầu năm 2022.