95 năm ngày thành lập đảng

Dự báo kế hoạch chuyển đổi năng lượng tại Mỹ diễn ra tích cực

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp chính sách ưu tiên khai thác dầu khí của ông Trump, quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo tại Mỹ sẽ tiếp diễn nhờ chi phí thấp hơn của năng lượng sạch, theo ông Hakan Agnevall, CEO tập đoàn Wartsila, nhà sản xuất điện hàng đầu thế giới.

Wartsila là đối tác lớn trong mảng năng lượng điện của nhiều tập đoàn. Ảnh:Wartsila
Wartsila là đối tác lớn trong mảng năng lượng điện của nhiều tập đoàn. Ảnh:Wartsila

Phát biểu với truyền thông ngày 5/2, ông Agnevall cho biết xu hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Mỹ đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết và dự báo sẽ tiếp tục vì đây là nguồn năng lượng rẻ nhất hiện nay.

Các nguồn điện gió và mặt trời có lợi thế lớn về chi phí, dù một số dự án điện gió ngoài biển có thể gặp hạn chế do chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump.

Trước đó, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch thúc đẩy khai thác tối đa dầu khí, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng để đẩy nhanh quá trình cấp phép và rút Mỹ khỏi một thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Ngay tại bang Texas nơi được xem là trung tâm dầu khí của Mỹ, khoảng 40% tổng công suất phát điện hiện nay đã đến từ năng lượng tái tạo. CEO Wartsila nhấn mạnh rằng Texas vẫn là một trong những thị trường quan trọng nhất của công ty với nhu cầu cao về các nhà máy điện kết hợp giữa năng lượng tái tạo và nhiên liệu truyền thống nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.

Bên cạnh việc sản xuất nhà máy điện, Wartsila, tập đoàn có trụ sở tại Phần Lan còn cung cấp động cơ tàu biển. Trong báo cáo tài chính quý IV, công ty ghi nhận số lượng đơn hàng vượt kỳ vọng của giới phân tích và dự báo nhu cầu tiếp tục tăng trong cả hai mảng kinh doanh hàng hải và năng lượng trong năm nay.

Hiện, thị trường châu Mỹ đóng góp gần 30% tổng doanh thu của Wartsila. Ông Agnevall thừa nhận rằng các mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa EU có thể ảnh hưởng đến mảng kinh doanh năng lượng của công ty, song mức độ tác động vẫn chưa thể dự đoán chính xác.

Ngoài ra, ông cũng đề cập đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các trung tâm dữ liệu tại Mỹ, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ. Do công suất lưới điện đã đạt giới hạn, các nhà phát triển trung tâm dữ liệu đang cân nhắc tự xây dựng các nhà máy điện riêng. “Đây có thể là một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng với chúng tôi,” ông Agnevall nhận định.