Chúc mừng năm mới

EU trả giá đắt khi nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, tăng trưởng kinh tế của EU đã chậm lại đáng kể từ khi hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga, trong khi nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng ổn định.

EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027. Ảnh: Sputnik
EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027. Ảnh: Sputnik

Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), mới đây cảnh báo rằng việc mất nguồn cung khí đốt Nga có thể khiến Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại hơn 1.000 tỷ euro (1 nghìn tỷ USD)

Phát biểu tại Diễn đàn Khoáng sản Tương lai ở Ả Rập Saudi hôm 17/1, ông Dmitriev cho biết tăng trưởng kinh tế của EU đã chậm lại kể từ khi nhiều nước thành viên hạn chế nhập khẩu khí đốt Nga.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, EU đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Vào tháng 5/2022, EU đã khởi động chương trình REPower EU nhằm hiện thực hóa kế hoạch chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027.

Một số quốc gia thành viên tự nguyện ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Trong khi đó, một số nước thành viên khác như Áo, Slovakia, Cộng hòa Czech và Italia vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga.

Tuy nhiên, dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu đã dừng lại vào đầu tháng này sau khi Kiev không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Moscow.

“Châu Âu đang phải chịu thiệt hại do không nhận được nguồn cung khí đốt của Nga, với mức thiệt hại dự kiến lên tới hơn 1.000 tỷ euro” - ông Dmitriev tuyên bố.

Theo người đứng đầu RDIF, phần lớn của tổn thất này đến từ việc EU phải tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với giá cao để thay thế khí đốt Nga.

Ông Dmitriev nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của EU không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Nga, trong khi chính khối này lại chịu hậu quả kinh tế nặng nề do mất nguồn cung khí đốt giá rẻ của Moscow.

“Nền kinh tế Nga đang tăng trưởng ổn định, dự kiến GDP đạt mức 4% trong năm 2024, trong khi tăng trưởng kinh tế của châu Âu được dự báo chỉ đạt mức 1% hoặc ít hơn” - ông Dmitriev cho hay.

Mặc dù phải chịu áp lực từ hàng loạt các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine trong 3 năm qua, nền kinh tế Nga vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, theo đánh giá của một số tổ chức kinh tế quốc tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Nga năm 2024 lên 3,6%. Ngược lại, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng của  khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống còn 0,8%.

EU đang phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm chạp và những thách thức về năng lượng. Việc mất khí đốt của Nga đã buộc các quốc gia thành viên phải chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế đắt đỏ hơn. Điều này đã đẩy chi phí cho các doanh nghiệp và hộ gia đình lên cao, gây áp lực cho các ngành sản xuất và thúc đẩy lạm phát.

Ủy ban châu Âu gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone xuống còn 1,3% trong năm 2025. Lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, Đức, nền kinh tế lớn nhất khối, đã rơi vào suy thoái 2 năm liên tiếp.

Trong diễn biến liên quan, tờ Politico đưa tin lượng LNG nhập khẩu từ Nga của EU tăng vọt với tốc độ chưa từng có trong 2 tuần đầu tiên của năm nay.

Trong 15 ngày đầu tiên của năm 2025, nhiều quốc gia thành viên EU đã mua 837.300 tấn LNG từ Nga, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại, tăng so với mức 760.100 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.

EU đã cam kết sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ  Nga, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục mua LNG của nước này. Theo dữ liệu từ Kpler (công ty theo dõi dữ liệu tàu biển), khối lượng khí LNG chiếm 15% tổng lượng nhiên liệu nhập khẩu của EU tính đến tháng 6/2024.

Trong nửa đầu năm ngoái, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho châu Âu, chỉ đứng sau Mỹ, theo dữ liệu của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 năm ngoái thông báo, Moscow đang lên kế hoạch tiếp tục tăng thị phần trên thị trường LNG toàn cầu và lưu ý nhiên liệu này là một trong những sản phẩm năng lượng có nhu cầu nhiều nhất trên thế giới./.