Dù dịch Covid-19 phức tạp – không nên trì hoãn tiêm vaccine cho trẻ

Trà Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tâm lý lo ngại khiến nhiều bố mẹ trì hoãn làm trễ lịch tiêm, khiến trẻ tiêm chủng không đầy đủ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài Covid-19, có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như viêm màng não, viêm phổi, thủy đậu, cúm, sởi – quai bị – rubella, bạch hầu – ho gà – uốn ván,… mỗi ngày đang gây ra hàng triệu ca nhiễm, biến chứng và tử vong trên toàn cầu.

Hãy đưa trẻ đi tiêm đúng lịch ngay cả trong mùa dịch

Theo các chuyên gia y tế, trên phạm vi toàn cầu, dịch Covid-19 đã khiến 228 triệu người, chủ yếu là trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh như sởi, sốt vàng da, bại liệt… Thậm chí, nhiều trẻ hiện đã trì hoãn tiêm chủng được hơn 1 năm. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi tỷ lệ tiêm chủng đã bắt đầu sụt giảm.
 Trẻ mắc viêm não Nhật Bản điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh: Khánh Chi)

Theo ông Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong bất cứ trường hợp nào, gia đình cũng không nên hoãn tiêm chủng cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiêm chủng là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh hiệu quả, giúp cơ thể tạo kháng thể miễn dịch tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Việc tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ cho trẻ trong mùa dịch Covid-19 chính là “chìa khóa” quan trọng giúp phòng bệnh hiệu quả lên đến 95%. Tiêm chủng đầy đủ, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện, tránh được các bệnh truyền nhiễm, không bị các di chứng, dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất, sức khỏe và trí não.

Bên cạnh đó, chi phí dành cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị nếu trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, tiêm chủng còn giúp hạn chế tối đa nhầm lẫn triệu chứng giữa Covid-19 với cúm mùa và một số bệnh hô hấp khác, tránh gây hoang mang cho bố mẹ và cộng đồng.

Do vậy, theo các chuyên gia y tế, cha mẹ nên chủ động cho bé đi tiêm phòng đúng lịch phù hợp với lứa tuổi, chủ động đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu, tuân thủ những khuyến cáo của Bộ Y tế như khai báo y tế đầy đủ, đeo khẩu trang đúng cách, chú ý giãn cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, các phụ huynh luôn cập nhật thông tin đúng và đủ về dịch Covid-19 để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi virus SARS-CoV-2.

Trẻ bị trễ lịch nên tiêm tiếp hay tiêm lại từ đầu?

Việc tiêm chủng rất cần thực hiện theo nguyên tắc đúng lịch, đủ mũi để phát huy tốt nhất hiệu quả bảo vệ của vaccine. Mặc dù vậy, trong những trường hợp bất khả kháng như trẻ không đủ sức khỏe, quên lịch tiêm nhắc lại, lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo dịch Covid-19, điều này gây ra những ảnh hưởng gì?

Theo các bác sĩ, trẻ có thể bị ảnh hưởng khi tiêm sớm hơn lịch hẹn, còn việc trẻ bị trễ lịch tiêm không làm giảm hiệu quả của vaccine (khi tiêm đầy đủ) và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lịch hẹn là khoảng thời gian tốt nhất để đảm bảo bé được phòng bệnh sớm và hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý, trì hoãn tiêm chủng hay trễ lịch tiêm chủng sẽ làm tăng nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh khi trẻ chưa có đầy đủ miễn dịch.

Việc tiêm phòng đúng theo hướng dẫn sẽ giúp phát huy tối ưu hiệu quả của vaccine, đặc biệt tiêm đủ liều sẽ giúp cơ thể trẻ đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối. Khi trẻ được tiêm phòng đầy đủ sẽ tạo cho cơ thể một sức đề kháng tốt hơn để phòng, chống các bệnh sau này. Chính vì vậy, khi trễ lịch tiêm, bố mẹ nên đưa trẻ đến tiêm chủng càng sớm càng tốt, nên thông báo cho bác sĩ để có chỉ định tiêm chủng bổ sung, đảm bảo hiệu quả của vaccine.