Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh: đề cao tính nhân văn
Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư Quy định khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh để xin ý kiến rộng rãi của xã hội. Dự thảo có nhiều quy định mới, trong đó việc loại bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh vi phạm được đánh giá là rất nhân văn, bảo đảm tính giáo dục, vì sự tiến bộ của người học.
Nhiều điểm mới và tiến bộ
Dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh có nhiều điểm mới so với Thông tư 08/TT cùng các dự thảo Thông tư đã có trước đó theo hướng: Khen thưởng, kỷ luật học sinh bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội…
Dự thảo Thông tư quy định các hình thức khen thưởng gồm: tuyên dương trước lớp; tuyên dương trước toàn trường; giấy khen của hiệu trưởng; thư khen. Ngoài các hình thức tuyên dương, khen thưởng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp nhằm động viên, nêu gương kịp thời đối với học sinh trong học tập, rèn luyện.

Một học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái- Hà Nội được biểu dương trước toàn trường vì có hành động đẹp: nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất.
Điểm mới tại dự thảo là với khen thưởng thì không phân biệt lứa tuổi, cấp học nhưng với kỷ luật thì quy định 2 nhóm độ tuổi tương ứng với các biện pháp kỷ luật khác nhau.
Cụ thể, đối với học sinh tiểu học, biện pháp kỷ luật là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ.
Đối với học sinh ngoài cấp tiểu học, có 3 hình thức kỷ luật gồm: Nhắc nhở; phê bình; yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. So với Thông tư 08/TT và các quy định trước đó, việc tạm dừng học và đình chỉ học đối với học sinh đã bị bãi bỏ.
Theo đại diện Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), các hình thức kỷ luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của học sinh; giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả, tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ và hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.
Nguyên tắc của việc kỷ luật nhằm bảo đảm tính chủ động, tích cực trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh; giữ vững kỷ cương, nền nếp trong trường; tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan.
Cùng với đó, hình thức kỷ luật phải bảo đảm phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, giới tính, thể chất, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm văn hóa vùng miền của từng học sinh; không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Giàu tính nhân văn
Cả nước hiện có khoảng 23 triệu học sinh thuộc các cấp học. Những học sinh đạt thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hành đông đẹp như không tham của rơi, cứu người gặp nạn, giúp đỡ đồng bào bão lũ…. sẽ được khen thưởng bằng nhiều hình thức nhằm ghi nhận, biểu dương, động viên, khuyến khích, tạo động lực để học sinh rèn luyện, phấn đấu.
Ngược lại, với học sinh vi phạm kỷ luật, sẽ không còn hình thức cho dừng học hay tạm đình chỉ học nữa mà cao nhất sẽ là “viết bản tự kiểm điểm”.
Chia sẻ về những điểm mới về hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh, TS Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia tâm lý, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo Trung ương) bày tỏ: “Tôi rất mừng vì dự thảo thông tư lần này đã bãi bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học hoặc đình chỉ học với học sinh vi phạm. Đây là hướng đi rất tốt nhằm mục tiêu giáo dục sự tiến bộ cho học sinh.

TS Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia tâm lý, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo Trung ương): "Tôi rất mừng vì dự thảo thông tư lần này đã bãi bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học hoặc đình chỉ học với học sinh vi phạm".
“Trước đây, tôi nhiều lần lên tiếng phản đối hình thức kỷ luật đình chỉ học với học sinh vi phạm. Nếu bị đình chỉ, học sinh sẽ bị đẩy đi đâu? Sang trường khác hay lang thang ngoài xã hội? Các cháu có tự nhận thức được về vi phạm của mình để sửa chữa không hay tự ti, mặc cảm và có biểu hiện tiêu cực hơn? Nếu các cháu mắc lỗi sai, cần giáo dục, động viên để các cháu sửa sai và tiến bộ. Đó mới là ý nghĩa nhân văn của giáo dục”, TS Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ.
Là giáo viên công tác ở một trường phổ thông tại Hà Nội, cô Nguyễn Thanh Huyền từng băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều khi chứng kiến một học sinh vi phạm và chịu hình thức kỷ luật đình chỉ học. Không chỉ hứng chịu sự bàn tán của bạn bè, em còn bị dư luận chỉ trích, lên án nặng nề và vô hình trung trở thành nạn nhân của “bạo lực mạng”. Việc không được đến trường khiến em chìm sâu vào tâm lý tiêu cực, em không muốn và không dám tiếp xúc với ai trong thời gian dài sau đó.
Cũng có giáo viên kể về một vài trường hợp học sinh bị đình chỉ học một tuần nhưng hàng ngày vẫn ra khỏi nhà đúng giờ đi học và lang thang đi chơi. Hết thời gian kỷ luật, em đến lớp bình thường nhưng kiến thức rơi rụng, tụt lại phía sau và không theo kịp các bạn. Chính bởi thế, theo giáo viên này, hình thức kỷ luật đình chỉ học bị bãi bỏ là điều vô cùng cần thiết, tạo cơ hội cho học sinh nhận thức được sai lầm của bản thân. Sau khi mắc sai phạm, học sinh vẫn đến trường và được thầy cô, chuyên gia chia sẻ, động viên, tư vấn… Điều đó giúp các em nhận ra lầm lỗi, không tái phạm mà vẫn được học tập bình thường.
Trích dẫn
Cùng các quy định về các hình thức kỷ luật, dự thảo cũng nêu một số hoạt động hỗ trợ chủ yếu để khắc phục hành vi vi phạm như: khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh vi phạm trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục hành vi vi phạm; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh khắc phục hành vi vi phạm.
Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý về dự thảo từ nay đến hết ngày 6/7/2025. Bạn đọc xem dự thảo TẠI ĐÂY

Chung tay phát triển, sẻ chia trách nhiệm – triết lý nhân văn của ngành GD&ĐT Hà Nội
Kinhtedothi - Thời gian qua, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần hình thành triết lý cao đẹp, nhân văn về tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng giáo viên, học sinh và toàn xã hội.

133 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi- Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách 133 học sinh được miễn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng đại học năm 2025; trong số đó, Hà Nội có 11 học sinh.