Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Bình Thuận bứt phá khi loạt cao tốc đi qua

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai tuyến cao tốc vừa đi vào vận hành kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam Trung bộ đã tạo đòn bẩy giúp du lịch Bình Thuận bứt phá.

Doanh thu 11.348 tỷ đồng

Vừa kết thúc chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại Mũi Né - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chị Thu Thủy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình cảm thấy sảng khoái vì những trải nghiệm mới.

"Do thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết chỉ mất hơn 2 giờ, tương đương với thời gian đi Vũng Tàu nên gia đình chúng tôi chọn đi Mũi Né - Phan Thiết để có thêm trải nghiệm. Chúng tôi dự định trở lại Phan Thiết - Mũi Né vào dịp nghỉ lễ 2/9 để các con tắm biển thỏa thích trước khi bước vào năm học mới" - chị Thủy chia sẻ. 

Nhiều du khách chọn Bình Thuận làm điểm đến trong thời gian quan. Ảnh: Phạm Huệ.
Nhiều du khách chọn Bình Thuận làm điểm đến trong thời gian quan. Ảnh: Phạm Huệ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra khá tốt.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Bình Thuận có sự tăng trưởng lớn về số lượng khách du lịch, nhất là sau khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận – Hội tụ xanh và thông tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã đón hơn 4,4 triệu lượt khách, tăng 86,36% so với cùng kỳ năm trước và đạt 66,4% kế hoạch năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế 133.900 lượt khách, tăng 5,42 lần và khách nội địa 4,2 triệu lượt khách, tăng 82,65%. Theo đó, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,4% kế hoạch năm.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, du lịch Bình Thuận tăng trưởng tốt xuất phát từ việc địa phương tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá xúc tiến du lịch tại các sự kiện như: Hội chợ Travex 2023 tại Yogyakarta, Indonesia, Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 19/2023, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp tại Hà Nội, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023 tại TP Cần Thơ....

“Thông qua các sự kiện, lễ hội, Bình Thuận đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là dịp tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm để tổ chức các sự kiện, lễ hội phục vụ du lịch trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Khoa nhận định.

Các cao tốc đi vào vận hành giúp ngành du lịch Bình Thuận bứt phá. Ảnh: Văn Phú.
Các cao tốc đi vào vận hành giúp ngành du lịch Bình Thuận bứt phá. Ảnh: Văn Phú.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Khoa, ngoài những yếu tố nói trên, việc hạ tầng giao thông phát triển đã thu hút một lượng lớn du khách từ các tỉnh phía Nam đặc biệt là TP Hồ Chí Minh đến với Bình Thuận trong thời gian qua.

“Hiện nay, 2 đoạn cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đã thi công hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác, rút ngắn khoảng cách từ TP Hồ Chí Minh đến Phan Thiết– Bình Thuận chỉ khoảng hai giờ nên thu hút đông đảo người dân và du khách từ các tỉnh phía Nam đến Bình Thuận.

Trong thời gian tới, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đưa vào vận hành năm 2024 và khi sân bay Phan Thiết hoàn thành đưa vào khai thác sẽ là động lực lớn thúc đẩy du lịch Bình Thuận bứt phá” – ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Tập trung cải thiện hạ tầng du lịch

Theo thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận, hiện nay, địa phương có 600 cơ sở lưu trú du lịch, với 17.658 phòng, đã xếp hạng 64 cơ sở lưu trú, với 5.674 phòng.

Thông qua các sự kiện, lễ hội, Bình Thuận đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch đia phương. Ảnh: Novaworld.
Thông qua các sự kiện, lễ hội, Bình Thuận đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch đia phương. Ảnh: Novaworld.

Trong đó, 5 sao 4 cơ sở với 960 phòng, 4 sao có 26 cơ sở với 2.920 phòng, 3 sao có 16 cơ sở với 1.177 phòng, 2 sao có 12 cơ sở với 483 phòng, 1 sao có 6 cơ sở với 134 phòng, loại hình khách sạn 199 cơ sở với 7.237 phòng, nhà nghỉ 231 cơ sở với 3.248 phòng, nhà ở có phòng cho thuê 99 cơ sở với 1.272 phòng, 557 căn hộ và 315 biệt thự và 1 bãi cắm trại du lịch với 50 phòng, lều. 

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Bình Thuận nhận định, chất lượng dịch vụ trong các cơ sở lưu trú có dấu hiệu đi xuống, nhất là khu vực ven biển. Sản phẩm du lịch tuy đã có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch ngoại tỉnh.

Ngoài ra, tình trạng buôn bán hàng rong, chèo kèo khách du lịch vẫn còn, các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư quan tâm đúng mức... Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và khu dân cư, điểm sinh hoạt công cộng… chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt, nhà vệ sinh công cộng ở một số nơi xuống cấp nghiêm trọng.

Bình Thuận tập trung phát triển hạ tầng và tăng cường quản lý để thu hút du khách. Ảnh: Novaworld.
Bình Thuận tập trung phát triển hạ tầng và tăng cường quản lý để thu hút du khách. Ảnh: Novaworld.

Theo đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Bình Thuận đề  nghị, UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch; tăng cường quản lý, đảm bảo những mặt an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu nạn, cứu hộ ở các điểm tham quan, du lịch, bãi tắm ven biển.

Đặc biệt, có biện pháp đối với việc xả rác của người dân và du khách đồng thời trang bị đủ thùng rác, có thông điệp giữ vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan du lịch ở địa bàn.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Tôn tạo các di tích văn hoá - lịch sử, danh lam thắng cảnh cơ bản để trở thành điểm thu hút khách du lịch. 

Song song đó, Bình Thuận tập trung tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế để giữ vai trò định hướng, tạo đột phá phát triển sản phẩm, thị trường du lịch. Đặc biệt, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút du khách và tăng thời gian lưu trú.

Đồng thời, Bình Thuận tăng cường việc rà soát để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, đề án, chính sách có liên quan trên lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch như: hạ tầng giao thông ven biển, liên thông với các tỉnh, sân bay Phan Thiết, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung...

 

Hiện, Bình Thuận có 384 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.125ha và tổng vốn đầu tư 68.875 tỷ đồng.

Trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với với tổng diện tích đất cấp 1.590ha và tổng vốn đầu tư là 11.231 tỷ đồng; 362 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất cấp 4.535ha và tổng vốn đăng ký 57.644 tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 188 dự án.