Biến đổi khí hậu
Theo PGS. TS Ðào Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, hiện nay đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng bị tổn thương lớn nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu (BÐKH), trong đó Cà Mau là tỉnh có nguy cơ cao nhất của vùng ĐBSCL.
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Được xác định tập trung phát triển du lịch để thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030, nhưng Cà Mau vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Khi Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BÐKH, trong đó du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp.”
Loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là loại hình thế mạnh của ngành du lịch Cà Mau. Được hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng nhưng giữ tính nghiêm ngặt về sự nguyên vẹn của đời sống văn hóa cộng đồng và môi trường. Phần lớn, các điểm du lịch sinh thái này phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên là hệ sinh thái rừng ngập, kinh doanh hoạt động vận chuyển khách tham quan bằng phương tiện địa phương (đi vỏ lãi ra bãi bồi ngắm cảnh biển), phục vụ trải nghiệm (thu hoạch tôm, soi ba khía, câu cá…) và cung cấp ẩm thực đặc sản địa phương (hàu, cua biển, cá đồng,…). Nên mỗi biến động BĐKH và thiên tai đều ảnh hưởng trực tiếp đến loại hình này.
“Hiện trên địa bàn có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đây là những loại hình dễ bị tổn thương do tác động của BÐKH và thiên tai” - ông Trần Hiếu Hùng nói.
Du lịch còn mang lối đánh “du kích”
Theo ông Lê Hữu Lợi, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện U Minh, các chủ trương, chính sách, đề án về du lịch khi về đến cấp cơ sở thường rơi vào tình trạng lúng túng, thụ động. Còn người dân thì càng khó khăn hơn, chỉ làm những vấn đề mình am hiểu không dám làm những gì chưa biết, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm.”
Ông Trần Hiếu Hùng nhìn nhận: “Du lịch Cà Mau chỉ ở mức khởi đầu, tức là chỉ làm du lịch từ những cái mình có, cái có sẵn, chứ chưa thể đáp ứng nhu cầu của khách. Sự kết nối giữa các trục, tuyến khá rời rạc."
Thực trạng hiện nay, vướng về cơ chế chính sách đất đai, nguồn vốn… đang là rào cản ngăn bước các nhà đầu tư trong ngoài tỉnh và cả tại chỗ khi muốn phát triển các dự án mở rộng nâng cấp cơ sở du lịch. Do hầu hết các điểm du lịch sinh thái ở Cà Mau hiện nay đều liên quan đến rừng, biển… nhất là các khu vườn quốc gia. Ông Giang Hoàng Hon, chủ Ðiểm Du lịch sinh thái Hương Tràm (huyện U Minh) thường trăn trở về việc ông muốn đầu tư, xây dựng thêm nhiều năm nay, nhưng lại vướng cơ chế đất đai. Nhiều hộ dân khác làm du lịch lại mong muốn có nguồn vốn ưu đãi ổn định để phát triển nhưng không thể. “Người dân làm du lịch chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nếu vay mượn để đầu tư thì có quá nhiều rủi ro. Chưa kể cơ chế đất đai thuộc Vườn Quốc gia, nên mỗi hoạt động đều cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định” - ông Quách Văn Ngãi, chủ một homestay ở ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển nói.
Chưa kể, các điểm du lịch ở Cà Mau hiện nay vẫn mang tính sự trùng lặp, tương tự nhau về loại hình du lịch, sản phẩm du lịch dẫn đến du khách có hiện tượng “cả thèm chóng chán.” “Ví dụ sản phẩm trãi nghiệm ăn ong mật, khách chỉ tò mò đến một lần ở một điểm du lịch là đã mãn nhãn, đến điểm khác gặp cũng gặp sản phẩm tương tự nên không thiết tha trãi nghiệp tiếp” - anh Phạm Duy Khanh, chủ Ðiểm Du lịch sinh thái Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời kể.
Chưa khai thác hết dư địa du lịch
Tại một hội thảo về du lịch gần đây được tổ chức tại Cà Mau, ThS Phan Đình Huê, chuyên gia về du lịch ĐBSCL cho rằng, Cà Mau vẫn chưa có những loại hình du lịch đủ tầm để phục vụ những đối tượng du khách đặc thù, cao cấp hơn, như du lịch như nghỉ dưỡng, hội thảo, du lịch mạo hiểm, ... Đặc biệt là đối tượng khách du lịch nước ngoài. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, qua đó đã tác động tổng thể lên kinh tế - xã hội địa phương. “Bên cạnh đó, loại hình du lịch đã, đang hình thành tại Cà Mau cũng chưa khai thác hết những tài nguyên sẵn có. Chưa có nhiều tour du lịch về sông nước, rừng biển. Chưa kể, loại hình du lịch văn hóa vẫn còn trống, du lịch nông nghiệp vẫn không điểm nhấn đặc biệt” - ông Phan Ðình Huê nói.
“Bên cạnh đó, kết nối giao thông còn hạn chế, chưa có những nhà đầu tư đủ tâm và tầm, hạ tầng cơ sở và nhân lực lĩnh vực du lịch còn yếu và thiếu, sản phẩm du lịch và tính kết nối du lịch vẫn còn hạn chế…. Dẫn đến lượng khách tuy đông, nhưng lưu trú, chi tiêu cho du lịch vẫn còn ở mức hạn chế” – ông Trần Hiếu Hùng nói thêm.