Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Đà Nẵng: Ba vấn đề cốt lõi để hồi phục

Sỹ Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Du lịch Đà Nẵng vẫn trong tình trạng tụt giảm nghiêm trọng so với giai đoạn “đỉnh cao” 2019. Lý do được nêu là hậu quả dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các nhà tư vấn chỉ ra căn nguyên chính vẫn bởi nội lực hoạt động du lịch của Đà Nẵng “có vấn đề”.

Một nhà tư vấn thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam tâm tư, không riêng Đà Nẵng, du lịch cả nước đã có một giai đoạn bùng phát từ năm 2014 đến 2019, với doanh thu tăng gấp hơn 10 lần.

Đà Nẵng nổi bật vào giai đoạn đó, tăng trưởng gấp 15 lần giữa 10 năm từ 2009 đến 2019. Nhưng đó là giai đoạn “thăng hoa” bề ngoài, nhờ bối cảnh chung thuận lợi. Sau dịch bệnh, và đối diện áp lực suy thoái kinh tế hiện tại, du lịch các nước phải quy về câu hỏi thực lực thế nào, và du lịch Việt Nam, du lịch Đà Nẵng không hề ngoại lệ.

Từ thực trạng cơ hội…

Du lịch Đà Nẵng đã có một giai đoạn tăng trưởng “thần kỳ”, từ “một ngách văn hóa” vụt trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương. Con số du khách từ chưa đến 2 triệu lượt vào năm 2009 đạt đến hơn 9 triệu lượt vào năm 2019 thể hiện một thay đổi lớn về tầm vóc ngành du lịch Đà Nẵng.

Có hai nguyên nhân tạo nên bối cảnh đó. Thứ nhất, Đà Nẵng trong 17 năm chỉnh đốn diện mạo đô thị, đã trở thành một tâm điểm tăng trưởng kinh tế ấn tượng và mở ra bối cảnh huy hoàng về hạ tầng dân sinh.

Những công trình giao thông lớn, những kế hoạch chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng, từ môi trường đến sinh hoạt của người dân, đã được Đà Nẵng tập trung đầu tư hiệu quả, từ đó tạo nên thực trạng đầy cơ hội, hấp dẫn du khách chú ý, đến tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống tại thành phố này.

Thứ hai, chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng rất nhanh nhạy, nắm đúng nhu cầu của công luận, liên tục có các quyết sách phát triển kinh tế với du lịch, có hàng loạt chương trình vận động, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, tạo nên một điểm đến hấp dẫn, một địa phương gắn liền các sự kiện, lễ hội.

Lễ hội pháo hoa là một trong những "đặc sản" giúp Đà Nẵng thu hút du khách.
Lễ hội pháo hoa là một trong những "đặc sản" giúp Đà Nẵng thu hút du khách.

Hai lý do này, cộng hưởng bối cảnh kinh tế toàn cầu đang lạc quan, xu hướng giao lưu trải rộng, du lịch các nước thuận lợi, đã làm nên hình ảnh phát triển du lịch phồn hoa về bình diện chung, và đặc biệt được ưu tiên chú ý ở những điểm đến hấp dẫn, mới lạ như Đà Nẵng.

Đến ba vấn đề cốt lõi

Tuy nhiên, khi kinh tế chung suy giảm, hệ lụy dịch bệnh khiến con người cảnh giác về sức khỏe, thắt chặt chi tiêu, Đà Nẵng lập tức rơi vào trạng thái “kiệt quệ” du lịch. Theo nhận định, có ba vấn đề cốt lõi phải được nhận diện với du lịch Đà Nẵng.

Đó là, sau một giai đoạn “rực rỡ bội thu”, du lịch Đà Nẵng phải đối diện đòi hỏi sâu sắc hơn, chất lượng tổ chức cao hơn, liền bộc lộ nhược điểm “không có sản phẩm đặc hữu”. Đây cũng là thực trạng chung của ngành du lịch, khi bề ngoài thành công, thu hút hàng triệu lượt du khách đến, khiến yêu cầu, tiêu chí về chất lượng xây dựng, tổ chức các tour tuyến, điểm đến, hành trình bị coi nhẹ.

Hình ảnh chung “một ngày đi mười điểm” của tour “bề nổi” đã làm mất đi chiến lược xây dựng những hệ thống điểm đến bền vững. Chất lượng các tour cần trau chuốt, cần “kể cho du khách nghe những câu chuyện hấp dẫn” bị xem nhẹ.

Bên cạnh đó, du lịch bề nổi, cũng chỉ thu hút được một lượng khách lớn, “ồn ào” và có mức chi tiêu hạn chế. Nhờ số lượng lớn, nguồn du khách “đi cho biết” này áp đảo, đủ sức thuyết phục hoạt động đầu tư du lịch địa phương háo hức đổ xô vào các mảng đầu tư hạ tầng cung ứng “số lượng cần hơn chất lượng”.

Hệ lụy là du lịch địa phương “không tìm được du khách đặc thù”. Khi kinh tế đầu tư cần sự tính toán chặt chẽ, hợp lý hơn, ngành du lịch buộc phải cân đong lại nhu cầu du khách thẩm thấu văn hóa, có những yêu cầu tinh tế, đầy tri thức và nhân văn hơn.

Lỗ hổng “du lịch đám đông” lập tức lộ ra, buộc du lịch và văn hóa địa phương phải có sự cân chỉnh lại, mạnh dạn chọn lọc, tiếp cận những nguồn du khách với tâm thế trải nghiệm du lịch khác hẳn, “học nhiều hơn chơi”. Số lượng du khách đặc thù này không nhiều, nhưng tổng mức chi tiêu sẽ lớn.

Du lịch Đà Nẵng đã có một giai đoạn tăng trưởng “thần kỳ.
Du lịch Đà Nẵng đã có một giai đoạn tăng trưởng “thần kỳ.

Cuối cùng, tổng hòa giữa yêu cầu du khách cần sàng lọc, chất lượng du lịch cần đầu tư, đòi hỏi “khẳng định những giá trị đặc trưng” phải được thiết lập. Đây là lý do khiến nhiều đơn vị du lịch Đà Nẵng cũng như cả nước loay hoay khi muốn có được những lợi thế cạnh tranh thị trường, và du lịch các địa phương khó tránh những “vấp chân” trong lộ trình phát triển.

Đó là các sản phẩm phục vụ du lịch, như ẩm thực, thời trang, sự kiện văn hóa, quan hệ quần thể cộng đồng… sẽ rập khuôn nhau, chạy theo thị hiếu du khách mà đánh mất đi bản sắc, đặc điểm riêng về văn hóa, tập tục, con người địa phương. Một khi tô mì Quảng cho du khách không thể hiện đúng chất lượng người dân sở tại quen dùng, điệu bộ tấn tuồng và ngữ điệu khu 5 không còn tinh tế như quá khứ truyền thống… du khách sẽ chỉ là những người “cưỡi ngựa xem hoa” và du lịch tự nhiên “sớm nở tối tàn”.

Để tìm lại cơ hội du lịch Đà Nẵng, địa phương cần rất nhiều tập trung, đánh giá lại, tìm ra những giải pháp. Song qua góc nhìn của các nhà tư vấn, du lịch Đà Nẵng cần khẩn trương định vị, tu chỉnh lại ba vấn đề cốt lõi đang làm hạn chế, thậm chí suy yếu cơ hội, năng lực du lịch của địa phương.

Du lịch Đà Nẵng cần phải đánh giá lại thực lực của mình, nhìn thấy nhược điểm để khắc phục. Có như vậy, du lịch Đà Nẵng mới sớm trở lại vị thế mong muốn, “quay lại đường đua” để tiếp tục đóng góp hiệu quả vào hành lang kinh tế, xã hội của thành phố biển miền Trung này.