Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Đông Nam Á hưởng lợi khổng lồ từ dòng khách Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với nhiều khu vực trên Thế giới, Đông Nam Á không áp dụng các biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với du khách từ quốc gia tỷ dân.

Khách du lịch tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh sau đợt bùng phát Covid-19, ngày 30/12/ 2020. Nguồn: Reuters
Khách du lịch tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh sau đợt bùng phát Covid-19, ngày 30/12/ 2020. Nguồn: Reuters

Ngay cả khi dịch bệnh vẫn còn khiến hơn 1,4 tỷ dân lao đao, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn mở cửa biên giới từ ngày 8/1 - động thái hứa hẹn sẽ giải tỏa một lượng lớn khách du lịch sau ba năm bị hạn chế tại quê nhà.

Những du khách Trung Quốc đi chơi trở lại thường ưa chuộng những nơi đơn giản, ít phức tạp cũng như ưu tiên các điểm đến không yêu cầu xét nghiệm. Và Đông Nam Á thực sự là một địa điểm lý tưởng – Theo Nhà kinh tế học Song Seng Wun của CIMB.

Ông cho biết thêm:" Các sân bay càng tấp nập bao nhiêu thì nền kinh tế của các quốc gia này càng phát triển bấy nhiêu".

Trong khi Úc, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 của du khách đến từ Trung Quốc thì các quốc gia Đông Nam Á, từ Campuchia đến Indonesia và Singapore, đều không yêu cầu như vậy.

Ngoại trừ Malaysia và Thái Lan xét nghiệm nước thải từ máy bay để tìm ca nhiễm, các nước trong khu vực sẽ đối đãi với du khách Trung Quốc như bất kỳ quốc gia nào khác.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói: "Chúng tôi không thực hiện các hành vi phân biệt đối xử hay chống lại bất kỳ quốc gia nào".

Sự quan tâm đến khu vực này ngày càng tăng cao ngay cả trước khi có tin tức về việc không cần thực hiện các yêu cầu kiểm dịch.

Theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 12 của Triển lãm thương mại ITB China, có tới 76% các công ty du lịch Trung Quốc xếp Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu khi du lịch nước ngoài được nối lại.

Với nhiều nước Đông Nam Á, ngành du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Phần lớn du khách là người Trung Quốc đã đến các thiên đường bãi biển, trung tâm thương mại và sòng bạc sang trọng trong khu vực. Tuy nhiên, tất cả đều bị gián đoạn trong vài năm qua vì Covid-19.

Giờ đây, du lịch Đông Nam Á đang hân hoan chuẩn bị chào đón du khách Trung Quốc quay trở lại.

Citi cho biết vào năm 2019, có tới 155 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 254,6 tỷ USD, gần tương đương với tổng GDP của Việt Nam vào năm đó. Các chuyên gia mong đợi điều này sẽ lặp lại, sớm nhất vào quý II năm 2023.

Tại Việt Nam, gần 1/3 trong số 18 triệu lượt khách nước ngoài năm 2019 là từ Trung Quốc, trong khi khoảng 1/5 lượt khách quốc tế đến Singapore là người Trung Quốc với con số chi tiêu lên đến 671 triệu USD.

Thái Lan đã dự kiến đón 5 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay - bằng một nửa so với con số 10,99 triệu vào năm 2019. Còn quốc gia láng giềng Malaysia ước đón khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu khách từ Trung Quốc trong năm nay so với 3 triệu trước đại dịch.

Phó chủ tịch Hiệp hội Đại lý Tour và lữ hành Malaysia Ganesh Rama cho biết hiệp hội này đang chuẩn bị cho một buổi biểu diễn đường phố tại các thành phố của Trung Quốc để thu hút du khách.

Trước lượng lớn du khách Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao tràn vào, các nước Đông Nam Á vẫn có chung sự lạc quan về khả năng miễn dịch của nước mình cũng như đánh giá thấp mức độ truyền nhiễm trong nước.

Singapore cho biết người dân nước này có khả năng miễn dịch cao, vì khoảng 40% dân số đã bị nhiễm covid-19 và 83% đã được tiêm vắc-xin cũng như tăng cường thêm các biện pháp chăm sóc sức khỏe.

Ông Karen Grépin, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Hồng Kông, đồng tình với cách tiếp cận của các quốc gia Đông Nam Á và cho biết thêm: "Mỗi ngày, việc các quốc gia phải đối mặt với hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 từ khắp nơi trên thế giới sẽ khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn."

Tại Bali, Indonesia, ông Ida Bagus Agung Parta - chủ tịch hội đồng du lịch của đảo này - cho biết việc người dân tiêm liều vaccine tăng cường thứ hai giúp tăng đáng kể khả năng miễn dịch của họ.

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen coi yêu cầu kiểm dịch của những nước khác là không cần thiết.