Riêng với thị trường nội địa đạt 1,7 triệu lượt khách, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,26 nghìn tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 11,4% so với tháng 4/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đón hơn 10 triệu lượt du khách, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,71 triệu lượt, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 92,4% với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động cơ sở lưu trú, tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng. 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.
Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 đến 5 sao ước đạt khoảng 65,7%, tăng 0,2% so với tháng 4-2023 và tăng 20,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 60,1% tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm đơn vị triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.
Đồng thời tổ chức các sự kiện, lễ hội quảng bá du lịch Thủ đô như: Cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội, Lễ hội du lịch quà tặng Hà Nội 2023, Festival áo dài Hà Nội. Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội tới du khách trong nước, quốc tế, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế như CNN và nền tảng mạng xã hội.
Tăng cường hợp tác với ngành hàng không tổ chức các sự kiện, chương trình giới thiệu quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội, đón các đoàn Famtrip gồm doanh nghiệp, báo chí quốc tế đến Hà Nội hợp tác trao đổi khách.
“Hiện Sở Du lịch đang phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm, khu vực Ba Vì…
Để thu hút du khách Sở Du lịch đề nghị các địa phương cần cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy” - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.