UBND TP vừa ban hành Quyết định số 4465/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.
Theo quy hoạch, dự báo dân số tối đa của huyện Mỹ Đức đến năm 2030 là khoảng 207.000 người. Phân bố các khu vực phát triển kinh tế gồm:
Khu vực trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật của huyện bao gồm các xã Hồng Sơn, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá, Hợp Tiến, Phù Lưu Tế, Hợp Thanh, Đại Hưng và thị trấn Đại Nghĩa với thị trấn Đại Nghĩa là đô thị trung tâm. Đây là khu vực phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, thủy sản, du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính, viễn thông…
Khu vực phía Bắc huyện Mỹ Đức là khu vực phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, bao gồm các xã: Đồng Tâm, Phúc Lâm, Thượng Lâm, Tuy Lai, Mỹ Thành, Bột Xuyên, An Mỹ với cụm đổi mới An Mỹ là trung tâm. Chức năng chính hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi, tập huấn, chuyển giao công nghệ…
Khu vực phía Nam là khu vực phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thủy sản, bao gồm các xã: Hùng Tiến, Vạn Kim, Đốc Tín và Hương Sơn với cụm đổi mới Hương Sơn là trung tâm. Chức năng chính hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi, chuyển giao công nghệ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề… tập trung phát triển lợi thế về du lịch lễ hội, tâm linh và du lịch sinh thái vùng Hương Sơn.
Khu vực phía Tây Nam bao gồm xã An Tiến và An Phú với cụm đổi mới An Phú là trung tâm. Đây là khu vực phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, thủy sản, nghề sen, phát triển dựa trên lợi thế “cửa ngõ” của huyện gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh. Phát triển khu du lịch sinh thái và trung tâm lễ hội festival Hoa sen cấp thành phố, quốc gia và hướng đến quốc tế.
Kinh tế của huyện Mỹ Đức hiện chủ yếu là du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh du lịch, huyện cũng tập trung phát triển các ngành kinh tế khác như nông nghiệp và công nghiệp. Trước mắt, huyện đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trong nông nghiệp, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang những mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển các làng nghề cũ và phát triển các nghề mới; ưu tiên và tập trung vào các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, mây tre đan, chế biến nông - lâm sản - thực phẩm và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu.