Giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế xanh
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch thể thao giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế xanh, với giá trị ước tính khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Tại một số quốc gia, du lịch thể thao đóng góp tới gần 30% tổng thu ngành du lịch.
Đó là lý do những năm gần đây, nhiều sự kiện thể thao đã được không ít quốc gia khai thác thành sản phẩm chủ đạo mời gọi du khách. Đơn cử, tháng 8/2023, sự kiện World Cup bóng đá nữ do Australia và New Zealand cùng đăng cai đã mang lại doanh thu hơn 570 triệu USD. Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Trung Quốc (tháng 9/2023) đã tạo ra doanh thu hơn 85 triệu USD, đồng thời nhận tài trợ 623 triệu USD.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, trong khoảng 5-7 năm trở lại đây Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao. Điển hình là một số tour được thiết kế bán kèm các giải chạy phong trào và gần đây là các tour do doanh nghiệp du lịch tổ chức cho người Việt sang nước ngoài xem đội tuyển Việt Nam thi đấu.
Thực tế cho thấy để khai thác loại hình du lịch này, thời gian qua tại Việt Nam số lượng giải thể thao xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút đông đảo người yêu thể thao. Tiêu biểu phải kể tới các giải VnExpress Amazing Marathon, Hạ Long Heritage Marathon; Đà Lạt Ultra Trail; giải đua xe môtô, ô tô địa hình ở Hà Giang; leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, đua xe đạp “Một đường đua hai quốc gia” tại Lào Cai...
Riêng Hà Nội đang sở hữu một số giải thể thao thường niên, có thể kết nối với các hoạt động du lịch như giải cầu lông quốc tế Hà Nội, giải chạy Báo Hà Nội Mới mở rộng - Vì hòa bình. Ngoài ra, tại Hà Nội còn diễn ra một số sự kiện thể thao quốc tế tầm cỡ châu Á và Đông Nam Á, hay một số giải golf tạo sân chơi cho khách du lịch quốc tế…
Nói về lợi ích mà thể thao mang lại cho ngành du lịch, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, du lịch thể thao là một dòng sản phẩm mang tính chuyên đề nên so với các tour thông thường, đơn vị tổ chức cần phải có chuyên môn cả về lữ hành và kiến thức nhất định về thể thao như điều lệ quy định của giải, cách thức đăng ký… từ đó tư vấn cho khách tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe.
Là đơn vị từng nhiều năm khai thác các tour du lịch đạp xe kết nối nội thành với ngoại thành Hà Nội, đến với các địa phương Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai… Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa thông tin, loại hình du lịch còn mang đến những cảm nhận mới mẻ cho du khách khi khám phá nét đẹp văn hóa, thiên nhiên kết hợp thể thao.
Cần sự liên kết
Mặc dù du lịch thể thao có nhiều tiềm năng thu hút du khách, nhưng để làm được điều này đỏi hỏi ngành thể thao liên kết chặt chẽ với du lịch trong việc quảng bá sự kiện, xây dựng tour đặc trưng.
Theo Chủ tịch Lux Group Phạm Hà, để biến thể thao trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam, điều quan trọng là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Đồng thời, có chiến lược quảng bá sự kiện để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Nhưng điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa ngành du lịch và thể thao, để các sản phẩm không chỉ dành cho du khách Việt mà còn đưa hình ảnh sôi động, hiếu khách đến du khách quốc tế.
Đồng tình với ý kiến này Giám đốc Công ty CP Du lịch và sự kiện Vplus Việt Nam Nguyễn Đức Anh chia sẻ, trong quá trình xây dựng tour doanh nghiệp gặp khó khăn do có ít thông tin về các sự kiện thể thao quốc tế, nên không thể chủ động xây dựng tour hoặc kết nối với nhà tổ chức sự kiện. Điều này dẫn đến tình trạng đến khi biết thì sự kiện sắp diễn ra, nên doanh nghiệp khó xây dựng tour.
“Để khai thác hiệu quả các sự kiện thể thao , các doanh nghiệp lữ hành cần tạo một cơ chế thông tin với đầu mối bên phía quản lý thể thao để nắm bắt lịch diễn ra sự kiện sớm nhất, từ đó liên kết với nhau để xây dựng sản phẩm phù hợp” - ông Anh nêu rõ.
Dưới góc độ chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình thông tin, sở thích của du khách quốc tế với loại hình này không giống nhau, nếu như khách Hàn Quốc thích chơi golf, khách Âu Mỹ vào rừng, chinh phục các cung đường khó thì khách Nhật thích trải nghiệm văn hóa bản địa…
Do đó, muốn hút khách đòi hỏi doanh nghiệp thiết kế tour bao gồm những hoạt động khác biệt chứ không đơn thuần là du lịch tham gia hoạt động thể thao. Nhưng để làm được điều này chính các nhà tổ chức sự kiện cần tìm đến các doanh nghiệp du lịch để tạo ra những gói sản phẩm phong phú, giúp vận động viên, người thân của họ có trải nghiệm tốt nhất khi đến Việt Nam.
Để du lịch và thể thao “bắt tay” hút khách, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng hiến kế, thời gian tới các địa phương cần tạo thủ tục thông thoáng trong việc cấp phép tổ chức giải thể thao phục vụ du lịch, xúc tiến điểm đến. Đồng thời xã hội hóa công tác tổ chức giải theo hướng khuyến khích các công ty lữ hành tạo liên minh bán các sản phẩm liên quan tới du lịch thể thao. Ở chiều ngược lại ngành thể thao nên đẩy mạnh hoạt động quảng bá sự kiện, thắng cảnh, văn hóa Việt Nam qua đó hút khách tới Việt Nam
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, sở sẽ tạo điều kiện tối đa cũng như mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch và các nhà tổ chức sự kiện thể thao bàn thảo, thống nhất cách thức khai thác. Từ đó để du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tiếp tục là điểm đến nhiều sức hút với du khách trong, ngoài nước.
Như vậy để khai thác loại hình du lịch thể thao thành sản phẩm chủ lực triển cần sự phối hợp của cơ quan quản lý, các địa phương, cơ sở dịch vụ cùng các bên liên quan trong việc đầu tư khai thác loại hình du lịch này.