Dự thảo Brexit của EU "phớt lờ" yêu cầu của Thủ tướng Anh

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) công bố dự thảo hiệp ước về việc Anh rời EU - còn gọi là Brexit, nhưng “phớt lờ” những yêu cầu quan trọng nhất của bà May.

EU đang lên kế hoạch đưa ra chi tiết pháp lý về việc Anh sẽ rời khỏi khối trong khoảng thời gian hơn một năm và các điều kiện cho giai đoạn chuyển tiếp - Bloomberg dẫn lời nguồn tin. Còn theo một quan chức Đức, 27 thành viên EU phản đối việc kéo dài thời gian chuyển tiếp - trái với mong muốn của Thủ tướng Anh. Biên bản này cũng đề cập đến khoản tiền gần 40 tỷ Bảng Anh (56 tỷ USD) mà Anh cam kết trả khi ra khỏi khối. EU mong muốn biên bản này sẽ được ký kết vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
 
Các cuộc đàm phán về giai đoạn chuyển đổi hậu Brexit trơn tru như các DN mong muốn đang được tiếp tục, nhưng dự thảo hiệp ước dài 100 trang mà EU đưa ra dường như lại không bao gồm các đề xuất của Thủ tướng Anh. Một quan chức cấp cao của Anh cảnh báo, dự thảo của EU cần phải phản ánh chính xác quan điểm của cả 2 bên và cho rằng, khối này đang sử dụng bản dự thảo để tạo áp lực đẩy nhanh tiến độ thay vì tạo ra một văn bản cân bằng.
Tranh cãi này xuất hiện trong thời điểm quan trọng với tiến trình Brexit. Vào thứ Sáu tuần này (2/3), Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có bài phát biểu về tầm nhìn đối với đối tác thương mại trong tương lai giữa Anh và EU. Việc này đặt bà May trong thế "nội công ngoại kích" khi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn vừa đưa ra phiên bản riêng về tiến trình Brexit và nhận được sự ủng hộ từ EU nhiều hơn so kế hoạch của Thủ tướng Anh. Ông Jeremy Corbyn đã kêu gọi thành lập "liên minh hải quan toàn diện mới giữa Anh và EU" hậu Brexit, trong một sự thay đổi chính sách to lớn có thể buộc chính quyền của Thủ tướng Theresa May phải thay đổi tiến trình. Quan điểm của Công đảng được cho là đứng cùng với phe "nổi loạn" trong đảng Bảo thủ cầm quyền nhằm đánh bại chiến lược Brexit của Thủ tướng Theresa May.
Giải thích cho lập trường của mình, ông Corbyn cho biết, ông muốn tránh tình trạng "biên giới cứng" xảy ra tại Bắc Ireland và muốn đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa cho các hoạt động kinh doanh giữa EU và Anh. Trả lời phỏng vấn trên BBC, ông Corbyn cho biết ông không muốn Anh sẽ đi theo mô hình của Na Uy, theo đó Anh sẽ tuân thủ các quy định của EU nhưng lại có rất ít tiếng nói tại EU. Ông muốn Anh phải có tiếng nói thực sự tại các cuộc đàm phán thương mại với EU thời hậu Brexit, chứ không phải chỉ thụ động tuân theo các quy định của EU. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May luôn khẳng định nước Anh sẽ rời cả thị trường đơn lẻ và liên minh thuế quan EU. 

Nhưng dù cho vẫn còn căng thẳng và chưa có hồi kết, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU bắt buộc phải đạt được thoả thuận vào 29/3 tới - thời điểm quá trình chuyển tiếp có hiệu lực. Và ở tình trạng bấp bênh như hiện nay với việc sự ủng hộ ở Quốc hội đang rất ít, bà May có thể phải đối mặt với viễn cảnh có thể thua trong "trận chiến" này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần