Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Nghị định quản lý vật liệu xây dựng: Gắn với phát triển thực tế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm quản lý vật liệu xây dựng (VLXD) hiệu quả, Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quản lý VLXD sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP và Nghị định số 95/2019/NĐ-CP về quản lý VLXD. Theo các chuyên gia, quy định mới cần phải gắn liền hơn với tình hình thực tế.

Giới thiệu sản phẩm vật liệu xây dựng tại một triển lãm ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều hạn chế trong quản lý
Theo KS Hoàng Quốc Trung – nguyên cán bộ Phòng Kinh tế, VLXD (Sở Xây dựng Hưng Yên), thời gian gần đây, ngành công nghiệp VLXD đã đạt bước tiến quan trọng. Để định hướng cho ngành phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như năng lực của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch... Tiếp đến, Nghị định 95/2019/NĐ-CP được ban hành có quy định chặt chẽ hơn về hoạt động trong lĩnh vực VLXD như: Đầu tư, sản xuất; quản lý chất lượng, kinh doanh; chính sách phát triển tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường... "Những quy định này bảo đảm cân đối cung - cầu, điều tiết và duy trì sự bình ổn cho thị trường VLXD” – KS Hoàng Quốc Trung nhìn nhận.

Tuy nhiên, KS Hoàng Quốc Trung cũng cho rằng, mặc dù đã góp phần tích cực vào công tác quản lý Nhà nước và phát triển của ngành công nghiệp VLXD nhưng Nghị định số 24a/2016 và số 95/2019 vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Cụ thể, trong nội dung Nghị định 24a và Nghị định 95 đều chưa quy định về việc xây dựng, quản lý chiến lược, kế hoạch phát triển VLXD. Do vậy, cần phải bổ sung nhiệm vụ này vào nội dung công tác quản lý Nhà nước làm cơ sở trong công tác quản lý, hoạch định các chính sách phát triển VLXD bền vững. Hoặc những quy định về chiến lược, kế hoạch phát triển VLXD (Chương II); Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất VLXD (Điều 29); Quy định về sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (Điều 31, Điều 32); Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VLXD (Điều 36); Các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất VLXD (Điều 38)... vẫn cần phải có sự điều chỉnh bổ sung.

Tăng cường nghiên cứu thị trường

Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp VLXD chiếm trung bình khoảng 5 - 7% tổng GDP cả nước. Đặc biệt, có những địa phương giá trị sản xuất VLXD chiếm 10 - 20% tổng sản phẩm trên địa bàn. Trước khi xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hợp nhất 2 Nghị định: số 24a/2016/NĐ-CP và số 95/2019/NĐ-CP, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Quyết định số 1109/2020/QĐ-TTg xây dựng Nghị định về quản lý VLXD theo trình tự thủ tục rút gọn. Cùng với đó tiến hành nghiên cứu xây dựng đề cương dự thảo, rà soát lại những nội dung của Nghị định hợp nhất, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các Nghị định, Thông tư đã ban hành phù hợp với thực tế và quy định pháp luật khác, từ đó đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định lần này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo Nghị định quản lý VLXD đã cụ thể hóa được một số nội dung quan trọng về chiến lược phát triển, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm quản lý, kiểm soát thị trường ổn định, lành mạnh, phù hợp với xu thế hội nhập, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, cần phải chú trọng hơn nữa nội dung liên quan đến công tác nghiên cứu thị trường để có phương án sản xuất, sử dụng các loại VLXD phù hợp với điều kiện của Việt Nam. “Cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường khu vực, thế giới đối với từng loại sản phẩm VLXD để giúp DN có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư nâng cấp, đầu tư mới đạt được hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào gây lãng phí tài nguyên, tiền vốn của đất nước và xã hội” – Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam TS Thái Duy Sâm nhìn nhận.
Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức của ngành công nghiệp VLXD. Do đó, cần thiết phải có định hướng, chính sách mới phù hợp với điều kiện phát triển thực tế. Đồng thời các DN cần thay đổi dần công nghệ, đưa vào quản lý dạng số, thân thiện với môi trường vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi cách thức quản lý ở ngành VLXD rất khác trước. Vì vậy, vấn đề phải lưu ý trong chiến lược nhằm quản lý phát triển VLXD là: Môi trường, chi phí tiêu hao nguyên liệu tự nhiên và năng lượng; mức độ tiên tiến về công nghệ và tái sử dụng các chất thải.

Nguyên Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) PGS.TS Lương Đức Long