Sử dụng đất ở đô thị chưa tiết kiệm, hiệu quả
Theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) được Bộ TN&MT xây dựng cho thấy, năm 2020, cả nước có 2.028 nghìn ha đất đô thị (theo địa giới hành chính phường, thị trấn), chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên. Trong thời kỳ 2011 - 2020 diện tích đất đô thị tăng 385,65 nghìn ha. Bình quân đất đô thị của cả nước là 530 m2/người, tuy nhiên giữa các vùng có sự chênh lệch lớn.
Nhìn chung, diện tích đất xây dựng đô thị của cả nước tăng nhanh (gấp 1,25 lần so với năm 2010); bình quân đầu người 200 m2/người, cao hơn 1,07 lần so với chỉ tiêu cho năm 2010, cơ bản đạt được yêu cầu về mức bình quân diện tích đất đô thị trên người của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, đất đô thị tăng phần lớn do các quyết định hành chính và nhanh hơn so với yêu cầu của phát triển kinh tế.
Về mặt cơ cấu sử dụng trong đất xây dựng đô thị thì tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp (chiếm khoảng 31,14%), đặc biệt tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16% đất xây dựng đô thị (yêu cầu phải đạt tỷ lệ cần thiết phải là 20 - 25%), giao thông tĩnh chỉ đạt <1% (yêu cầu phải đạt tối thiểu từ 3 -3,5% diện tích đất xây dựng đô thị). Bên cạnh đó, diện tích đất dành cho xây dựng các công trình cấp, thoát nước, tỷ lệ đất cây xanh đạt thấp so với tiêu chuẩn quy định, diện tích mặt nước (ao, hồ) trong nhiều đô thị bị suy giảm do san lấp xây dựng nhà ở; diện tích đất sân chơi và các công trình công cộng khác còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Theo đánh giá tại dự thảo quy hoạch, bình quân đầu người đất ở trong đô thị có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng và các địa phương trong cả nước. Việc sử dụng đất ở còn chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả; nhà ở chủ yếu theo hình thức chia lô, liền kề, nhà ống; nhà chung cư cao tầng còn chiếm tỷ lệ thấp, diện tích nhà để xây dựng cho người có thu nhập thấp tại các khu đô thị lớn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Diện tích đất dành cho việc thu gom và xử lý chất thải còn thiếu, chỉ có 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bãi chôn lấp rác được thiết kế, xây dựng hợp vệ sinh, còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong các đô thị vẫn còn đất nghĩa trang, nghĩa địa nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Diện tích đất ở tại đô thị tăng 62,69 nghìn ha
Theo dự thảo, đến năm 2030 phát triển hệ thống đô thị bền vững, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành trên quan điểm tích hợp đa ngành.
Hệ thống đô thị được phát triển hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị hướng đến kết nối các đô thị, chuỗi đô thị với nhau; triển khai xây dựng chuỗi đô thị thông minh tại một số địa phương phù hợp tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; chú trọng ứng dụng công nghệ từ quá trình hình thành, quản lý đến vận hành đô thị một cách hiệu quả.
Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá của cả nước đạt khoảng 53,2%; phấn đấu đạt 30m² sàn nhà ở bình quân đầu người. Tổng diện tích đất đô thị của cả nước là 2.953,85 nghìn ha, tăng 925,78 nghìn ha so với năm 2020. Trong diện tích đất đô thị cả nước, có 251,84 nghìn ha đất ở tại đô thị, chiếm 8,52% đất đô thị, bình quân đất ở tại đô thị đạt khoảng 45,39m2/người, diện tích đất ở tại đô thị tăng 62,69 nghìn ha so với năm 2020.
Tỷ lệ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt trên 90%, các đô thị loại V đạt trên 70%; khắc phục cơ bản tình trạng ngập úng tại các đô thị từ loại IV trở lên; 98% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường; hệ thống đô thị đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị,...
Cũng theo dự thảo quy hoạch, định hướng đến năm 2050, hơn 3% lãnh thổ (1,1 triệu ha) dùng để xây dựng khu dân cư, trong đó các khu dân cư cơ bản đã được đô thị hóa khoảng 0,7 - 0,8 triệu ha để có sức chứa khoảng 85 - 90% dân số thành thị và có lối sống kiểu thành thị và 0,3 triệu ha đất khu dân cư nông thôn trở thành nơi cư trú ổn định của khoảng 10 - 15% dân số của cả nước, đảm bảo một mức sống có chất lượng cao cho toàn dân.
Tỷ lệ nêu trên bảo đảm cho đất khu dân cư được sử dụng với hiệu quả cao nhất trên cơ sở “đô thị hóa” ngay tại các khu dân cư hiện có theo mô hình mạng lưới. Như vậy, tổng diện tích đất đô thị dự báo đến năm 2050 của cả nước sẽ đạt khoảng 3,6 - 3,8 triệu ha.