Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, 23/10/2009, tại Chaam - Hua Hin, miền Nam Thái Lan khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 15 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

KTĐT - Hôm nay, 23/10/2009, tại Chaam - Hua Hin, miền Nam Thái Lan khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 15 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị. Đây là Hội nghị Cấp cao thứ 2 trong năm của ASEAN được tổ chức theo qui định mới tại Hiến chương ASEAN và được xem là một cột mốc quan trọng đối với ASEAN trên con đường hướng tới một thị trường đơn nhất và một công xưởng chung vào năm 2015.

Trong hai ngày họp, với chủ đề: “Cộng đồng Hành động, Cộng đồng Kết nối và Cộng đồng Nhân dân”, các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN sẽ tập trung bàn về phương hướng và biện pháp đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống và thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Lộ trình đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 14; tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài; trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cần quan tâm, nhất là ứng phó với các thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế-tài chính, an ninh năng lựợng và an ninh lương thực, môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Trong 42 năm qua, ASEAN đã phát huy vai trò to lớn trong việc bảo vệ ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy sự phồn vinh và phát triển của khu vực Đông Á, đẩy mạnh hội nhập ở Đông Nam Á và cả khu vực Đông Á... ASEAN đi theo “Phương thức ASEAN”- một con đường hợp tác khu vực với bản sắc riêng một cách sáng tạo trong khu vực đầy phức tạp mang tính đa dạng. Phương thức ASEAN đã đem lại kinh nghiệm mới cho sự phát triển của chủ nghĩa khu vực ở các nơi trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, dưới sức ép to lớn của toàn cầu hóa, đặc biệt là sức ép trước tình hình phát triển của các nước lớn xung quanh, ASEAN càng ngày càng cảm nhận tính cấp bách trong việc đẩy nhanh tiến trình liên kết khu vực. Vì thế, những năm gần đây, ASEAN lại đề ra mục tiêu mới: xây dựng “Cộng đồng ASEAN”. dựa trên ba trụ cột là kinh tế, an ninh - chính trị và văn hóa – xã hội. 
 
Trong lịch sử, Đông Nam Á từ trước đến nay không phải là một    chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ với nhau, mà giống như một bãi ngọc trai gồm vô số hạt được rải xuống khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Ngày nay, nơi đây có thể trở thành tổ chức khu vực được cả thế giới quan tâm, đó hoàn toàn là kết quả đoàn kết tự cường của nhóm các quốc gia này. Nhìn lại quá trình liên kết ASEAN, có thể thấy rõ, Đông Nam Á đã thiết lập những dấu mốc trong quá trình hội nhập khu vực. Dấu mốc thứ nhất là thành lập tổ chức ASEAN năm 1967, đánh dấu các nước Đông Nam Á thực sự bắt đầu xây  dựng quan hệ, hình thành một khối thống nhất. Khi mới hình thành, ASEAN lấy hợp tác chính trị làm chính, dần dần phát triển sang hợp tác kinh tế và văn hóa xã hội. Trong một thời gian sau khi thành lập, công việc trọng tâm của ASEAN là xây dựng cơ chế hoàn thiện, xử lý mâu thuẫn và tranh chấp nội bộ, bảo vệ ổn định và an ninh khu vực, xây dựng quan hệ đối thoại với các nước lớn. Mốc thứ hai là xây dựng khu vực tự do thương mại ASEAN năm 1993. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư tổ chức tại Singapore vào tháng 1/1992 đã quyết định trong vòng 15 năm, tức là đến năm 2008, hoàn thành xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, sau đó lại rút ngắn thời hạn xuống còn 10 năm, tức năm 2003, cuối cùng là đẩy sớm hơn nữa, đến năm 2002. Đối với các nước thành viên mới gia nhập sau này, ASEAN kéo dài thời hạn thích hợp. Việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã thúc đẩy mạnh mẽ mối liên hệ giữa các nền kinh tế thành viên, dọn đường xây dựng thị trường chung, khiến cho mức độ hội nhập được nâng lên một tầm cao mới. Mốc thứ ba là tháng 10/2003 tuyên bố xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8, tổ chức tháng 11/2002, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã đê xuất xây dựng ASEAN thành “Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 vào tháng 10/2003 đã thông qua “Tuyên bố chung ASEAN lần thứ hai về sự phối hợp thống nhất", quyết định thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 11 năm 2005 đã ra “Tuyên ngôn Kuala Lumpur” về việc xây dựng hiến chương ASEAN, đồng thời đẩy nhanh thời hạn xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Việc thực hiện Cộng đồng ASEAN có nghĩa là mức độ liên kết khu vực Đông Nam Á sẽ được nâng lên một tầm cao mới.   

ASEAN sở dĩ trong 40 năm qua thu được nhiều thành quả, kinh nghiệm cơ bản chính là do đã thích ứng được sự đa dạng hóa. ASEAN là khu vực có đặc trưng đa dạng hóa rất rõ rệt, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, nhiều chế độ chính trị, nhiều chủng loại văn hóa. Đặc trưng này khác hẳn so với EU. Về tổng thể khu vực này đều là những nước đang phát triển, trình độ phát triển tương đối thấp. Thành tựu quan trọng của ASEAN chính là phải đi một con đường riêng của mình khác với EU. Việc chọn con đường mô phỏng theo EU là thoát ly thực tế. Vì vậy ASEAN cần kiên trì những giá trị truyền thống của mình, đồng thời dần dần tiến hành cải cách, cải cách này cần diễn ra một cách tuần tự tiệm tiến, đến năm 2015 cần hoàn thành việc xây dựng khu mậu dịch tự do, khi xây dựng được thể cộng đồng kinh tế, cũng chính là giai đoạn đầu tiên phát triển thể cộng đồng ASEAN. Thể cộng đồng kinh tế mà ASEAN xây dựng nên trong năm 2015 sẽ là sự quá độ để hướng tới một sự nhất thể hóa ở mức độ cao hơn. Chỉ khi phát triển được đến giai đoạn này thì mới có cơ sở phát triển tiếp đến giai đoạn sau.

Tại hội cấp cao lần thứ 13 cuối năm 2008 tại Singapore, ASEAN đã có một bước ngoặt mới sau khi thông qua Hiến chương ASEAN, Bản Hiến chương ra đời là một nhu cầu tất yếu khách quan và là bước chuyển giai đoạn quan trọng của Hiệp hội sau 40 năm tồn tại và phát triển, đồng thời phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN, nhất là của các vị lãnh đạo về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương, để hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như của từng nước thành viên.

Hội nghị lần này sẽ là một bước phát triển mới trong việc đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống thúc đấy quá trình liên kết ASEAN trở thanh một thực thế thống nhất, coa tầm quan trọng đặc biệt tại châu Á và trên thế giới, như khầu hiệu mà một Hội nghị cấp cao ASEAN đã đề ra là “Một ASEAN ở trái tim châu Á năng động”.

Tuy nhiên, để trở thành "cộng đồng hành động", ASEAN cần phải có khả năng hành động một cách kiên quyết và kịp thời để giải quyết những mối đe dọa trong nước và ngoài nước, ứng phó được với những thách thức tại các nước thành viên. Ngoài ra, ASEAN cũng cần trở thành "cộng đồng của nhân dân" để tất cả nhân dân khu vực đều có cơ hội tiếp cận bình đẳng với cơ hội phát triển nhân lực. Hiện ASEAN đang trong tiến trình kiến tạo cơ chế giải quyết tranh chấp và lập một số cơ quan mới, trong đó có Ủy ban đại diện thường trực ASEAN và các Hội đồng cộng đồng ASEAN chuyên trách về một số lĩnh vực. Các cơ quan và hội đồng đó sẽ thúc đẩy Hiệp hội xây dựng Cộng đồng ASEAN theo lộ trình Cha-am/Hua Hin trong bối cảnh Hiệp hội vừa thông qua Hiến chương ASEAN hồi cuối năm 2008.

Xét vẻ bên ngoài dường như mọi việc đang diễn ra tốt đẹp với ASEAN. ASEAN đã tự hội nhập vào hai cơ chế lớn có vai trò ngày càng ảnh hưởng, đó là khối ASEAN+3 (thêm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand). Cả hai cơ chế này đều tham dự Hội nghị ASEAN tại Thái Lan. Tầm quan trọng của ASEAN cũng đã được cộng đồng thế giới công nhận khi ASEAN cũng được mời tham dự các hội nghị G-20 ở Luân Đôn, Pittsburgh và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đầu tiên vào tháng 11 tới bên lề Diễn đàn APEC tại Singapore. 
 
Với 580 triệu dân và tổng GDP năm 2008 lên tới 1.500 tỷ USD, ASEAN có nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ và có kim ngạch thương mại đứng thứ 5 thế giới - chỉ đứng sau Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản. 
 
Tuy vây, xét về mặt kinh tế, ASEAN vẫn được coi là tập hợp của các quốc gia có sự chênh lệch quá lớn và có khả năng thống nhất hành động không khá hơn châu Phi. Dân số Indonesia nhiều gấp 562 lần dân số Brunei; thu nhập bình quân của Singapore cao gấp 150 lần của Myanmar. Sự chênh lệch này cao hơn rất nhiều Liên minh châu Âu (EU), một liên minh đã nhất thể hòa và là một kinh nghiệm để ASEAN liên kết. Trong EU thu nhập bình quân của nước coa nhất là Lúcxămbua chỉ cao gấp 4 lần so với nước nghèo nhất khu vực là Bồ Đào Nha.
 
Trong nội bộ ASEAN vẫn xảy ra bất đồng chính trị như vẫn diễn ra giữa Indonesia và Malaysia (hai nước có vấn đề tranh chấp lãnh thổ) và giữa Malaysia và Singapore. Và gần đây, Thái Lan và Campuchia cũng đã xung đột về vấn đề biên giới. 
 
ASEAN đã đạt được một số thành tựu như thỏa thuận về cắt giảm thuế quan nội khối; đàm phán ưu đãi thuế quan với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác; thiết lập quỹ dự phòng khủng hoảng ngoại tệ và đặt mục tiêu tạo ra một cộng đồng kinh tế tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ vào năm 2015. Tuy nhiên, đối với bên ngoài các thành tựu này không mang lại sự thay đổi đáng kể. Các doanh nhân nước ngoài tỏ ra lịch sự khi nói về ASEAN, nhưng mất kiên nhẫn trước việc khối này không thể đồng thuận trong hành động - vấn đề đã bộc lộ rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
 
Để tạo được ấn tượng thực sự với bên ngoài, ASEAN cần đưa ra một chính sách nhất quán về nhiều vấn đề, từ quan điểm về Myanmar đến chương trình dỡ bỏ thuế quan nội khối và những tiến triển cụ thể đối với mục tiêu thiết lập cộng đồng kinh tế chung. Đạt được tất cả những yêu cầu đó có thể là một đòi hỏi quá cao đối với ASEAN. 
 
Nếu Đông Nam Á muốn đóng vai trò nào đó trên trường quốc tế, các nước thành viên cần sát cánh cùng nhau tiến bước. Và Hiến chương ASEAN đang là một hành lang đề cả 10 nước thành viên ASEAN cùng tiến bước.