Tuy nhiên, để giữ vững vị trí đòi hỏi TP Hà Nội cần chú trọng nâng cấp hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ DN tiếp cận phát triển loại hình kinh doanh hiện đại này.
Giữ vững vị thế tốp đầu
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2023 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam vừa công bố cho thấy chỉ số TMĐT (EBI) của TP Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, đạt 85,7 điểm, doanh số thương mại điện tử B2C được 85,3 điểm, trong khi TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 80,4 điểm. TMĐT phát triển đã kéo theo hoạt động xuất khẩu của Hà Nội đã dần phục hồi. Trong 11 tháng qua, mặc dù hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, nhưng DN Thủ đô đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 15,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 33,8 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của TMĐT.
Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Tạ Dũng Trí cho biết, để vượt qua khó khăn, tăng kim ngạch xuất khẩu, các DN Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng nền tảng TMĐT để tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho thấy, hiện trên địa bàn TP có 50% DN đã tìm hiểu về TMĐT, nhiều DN đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Giám đốc kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ, để đưa hàng hóa ra thị trường thế giới, đơn vị đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng TMĐT quốc tế. Đến nay, công ty đã có 4 sản phẩm đưa lên sàn Amazon và đã đạt được kết quả tích cực.
Là DN trong lĩnh vực du lịch, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã phối hợp nhiều ngân hàng, tạo ứng dụng đặt mua tour và thanh toán trực tuyến, tạo thuận tiện cho khách hàng. Đến nay, tỷ lệ bán các sản phẩm du lịch qua kênh online của Hanoitourist ngày càng tăng, gắn liền với các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, để sản phẩm gạo thơm Bối Khê được nhiều người tiêu dùng biết đến, hợp tác xã đã đăng ký bán hàng qua chợ TMĐT. Nhờ đó số lượng tiêu thụ mỗi năm qua hợp đồng là 700 - 1.000 tấn. “Thông qua chợ TMĐT, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm gạo thơm Bối Khê của xã Tam Hưng, đã gọi điện và đặt hàng” - ông Kiên chia sẻ.
Nhìn nhận những nguyên nhân khiến TMĐT Hà Nội phát triển mạnh mẽ, Phó trưởng Khoa Kinh tế (Đại học Thương mại Hà Nội), TS Vũ Thị Yến nêu rõ, sự phát triển bứt phá về TMĐT của Hà Nội phải kể đến những lợi thế riêng có về quy mô thị trường, trình độ công nghệ cũng như các điều kiện phát triển khác như quy mô dân số lớn với 8,5 triệu dân. Bên cạnh đó, TP Hà Nội một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước nên đã tập trung số lượng lớn DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn.
Vẫn còn những việc phải làm
Phát huy những kết quả đã đạt được, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 303/KH-UBND nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn TP năm 2024. Trong đó đặt mục tiêu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên về Chỉ số TMĐT (EBI) của cả nước, đạt tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến là 53%, thanh toán không sử dụng tiền mặt là 48%. Các chỉ số khác như thanh toán hóa đơn điện tử, giao dịch mua hàng trực tuyến với hóa đơn điện tử, duy trì 100% số chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi TP Hà Nội hỗ trợ DN, người tiêu dùng sử dụng TMĐT, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh, DN trong quá trình chuyển đổi số gặp khó khăn về nguồn lực có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hóa đơn, chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, logistics thiếu sự đồng bộ, tính kết nối.
Đồng tình với phản ánh này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hiện TP Hà Nội có khoảng 330.000 DN, trong đó 95% là DN nhỏ và vừa nên dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế qua TMĐT nhưng kỹ năng loại hình kinh doanh này còn hạn chế. DN ít quan tâm tìm hiểu về các quy định, quy tắc về xuất xứ hàng hóa cũng như các giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp và chất lượng sản phẩm...
Hiến kế để TP Hà Nội phát triển TMĐT, giữ vững vị trí thứ 2 trong bản xếp hạng, Phó Trưởng bộ môn Phương pháp nghiên cứu khoa học (Trường Đại học Thương mại) Phạm Thị Minh Uyên cho rằng, TP Hà Nội cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT theo hướng tương đồng với pháp luật quốc tế, các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ cập kiến thức về internet và TMĐT, giúp gia tăng tỷ lệ người dân và DN tham gia vào thị trường TMĐT thay vì thương mại bán lẻ truyền thống.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện nhiều đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả đã lợi dụng TMĐT để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. “Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan lập pháp cần làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán. Qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch TMĐT để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng” - ông Chu Xuân Kiên đề xuất.
Nhiều DN cũng đề xuất, các cơ quan quản lý nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT, đẩy mạnh việc hỗ trợ DN xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới. Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, Sở Công Thương sẽ tiếp tục trợ giúp DN nắm bắt các quy định của TMĐT qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, xây dựng thương hiệu Việt trên toàn cầu.
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, chuyển đổi số là việc mới, việc quan trọng của TP Hà Nội. TP xây dựng một kế hoạch mang tính tích hợp từ cải cách hành chính, chuyển đổi số… gồm 27 chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người có việc, rõ trách nhiệm. Đây là việc lớn và khó nhưng TP quyết tâm làm đạt các mục tiêu, kế hoạch. "Chuyển đổi số nếu thực hiện được sẽ tạo đột phá lớn. Ví dụ về việc thanh toán không dùng tiền mặt, TP đang triển khai rất tích cực, toàn diện. Đồng thời, đến nay, đã làm được những việc mang tính nền tảng như có hệ thống báo cáo số, hạ tầng số…" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Để ngồi một nơi mà bán được sản phẩm tới người tiêu dùng toàn cầu qua TMĐT đòi hỏi DN cần chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, biết ngôn ngữ bản địa của khách hàng. Ngoài ra, DN cần có nhân sự chăm sóc gian hàng một cách liên tục, đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất. Đặc biệt, DN cần có sự chủ động tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung
Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Amazon Global Selling cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng về TMĐT xuyên biên giới, từ đó nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho các DN xuất khẩu. Đặc biệt là với các DN vừa và nhỏ, mở ra cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng cho các DN trên địa bàn Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương