Dựa vào sức mạnh của Nhân dân để xây dựng Đảng, chính quyền

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khoá XI), việc góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân của TP Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu.

Điều đó thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, Nhân dân; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân…

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân được củng cố

Theo đánh giá của Thành uỷ Hà Nội, sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khoá XI) về “Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên.

Đa số kiến nghị, đề xuất, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, xử lý từ cơ sở và hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức đối với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân được nâng lên; nhận thức của người dân về quyền làm chủ cũng sâu sắc và toàn diện hơn.

Cụ thể, về góp ý xây dựng đảng, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp với tổng số 222.425 ý kiến; tham gia góp ý thường xuyên đối với tổ chức Đảng với 22.831 ý kiến và đối với đảng viên 42.458 ý kiến; tham gia góp ý đột xuất với tổng số: 19.094 ý kiến.

 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND TP đã tiếp nhận 796 kiến nghị của cử tri và đã chỉ đạo rà soát, phân loại, xử lý, chuyển 796 kiến nghị của cử tri chuyển đến UBND TP để giải quyết, trả lời cử tri bằng văn bản. Đến nay, đã giải quyết xong 533/797 kiến nghị (đạt 66,9%) và đang giải quyết 264 kiến nghị…

Về công tác góp ý xây dựng chính quyền, hàng năm, góp ý bằng văn bản định kỳ mỗi năm một lần với tổng số 83.696 ý kiến. Thực hiện góp ý thường xuyên đối với chính quyền với tổng số 51.347 ý kiến và góp ý đột xuất với tổng số 21.676 ý kiến.

Ngoài ra, đối với chế độ tiếp xúc, đối thoại, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND TP đã tiếp nhận 3.572 ý kiến, kiến nghị của cử tri. UBND TP, các cơ quan đơn vị có thẩm quyền trả lời 3.238 nội dung. Trong đó, theo kết quả rà soát, giám sát đã giải quyết xong 2.962 ý kiến, kiến nghị (đạt tỷ lệ 91,5%); còn một số kiến nghị vẫn đang trong quá trình giải quyết…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW.

Tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

Từ thực tiễn triển khai Quyết định 218-QĐ/TW tại các quận/huyện trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, việc góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của TP Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu. Điều đó thể hiện rõ vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, Nhân dân; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân…

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy tốt vị trí, vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong đó, MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Nội dung và hình thức hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng nâng cao về chất, đi vào nền nếp, bài bản, có chiều sâu với sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Tại huyện Thường Tín, Bí Thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, để thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, định kỳ hàng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trực tiếp góp ý với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại các hội nghị. Trong đó, nội dung góp ý kiến tập trung vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách hành chính; việc phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai; công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...

 

Một trong những bài học kinh nghiệm của TP trong 10 năm qua là phải phát huy dân chủ trong Đảng, xã hội và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết vướng mắc của Nhân dân thông qua công tác tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân…

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với HĐND, UBND huyện tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện với các doanh nghiệp để trao đổi với các doanh nghiệp về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp và kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển và tích cực đóng góp xây dựng địa phương.

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, bộ phận tiếp dân của huyện và UBND các xã, thị trấn duy trì và thực hiện tốt chế độ tiếp công dân định kỳ. Tổng hợp báo kết quả ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quản lý Nhà nước và công tác điều hành của người đứng đầu đơn vị, tổ chức. Trong khi đó, tại các trụ sở làm việc có bố trí các hòm thư góp ý và phân công cán bộ tiếp nhận, tham mưu các nội dung liên quan đến việc tiếp thu, trả lời ý kiến đóng góp của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để tiếp tục nâng cao hoạt động góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thường xuyên tham mưu cho cấp ủy Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội. Phối hợp chặt chẽ trong công tác theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát, góp ý trên địa bàn.

Đồng thời, MTTQ và đoàn thể các cấp thường xuyên nắm tình hình, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị chính đáng của Nhân dân thông qua nhiều hình thức khác nhau. Thông qua MTTQ, các cấp ủy Đảng, chính quyền hiểu được những vấn đề mà người dân đang cần, mong muốn trong công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền. Từ đó có những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo tiếng nói chung, sự đồng thuận cao trong xã hội và Nhân dân.