Theo RT, chính quyền Berlin hôm 16/11 tuyên bố Đức và các đối tác NATO không có kế hoạch hỗ trợ đóng không phận Ukraine sau vụ rơi tên lửa ở biên giới Ba Lan-Ukraine khiến 2 người thiệt mạng.
Phát biểu trước báo giới ngày 16/11, người phát ngôn Chính phủ Đức Wolfgang Buchner lưu ý rằng động thái đó có thể gây ra một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và các lực lượng NATO. "Chúng tôi và tất cả đồng minh đều chung quan điểm rằng chúng tôi muốn tránh xung đột ở Ukraine leo thang" - ông Buchner nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Christian Thiels cho biết Berlin đã đề xuất giúp Ba Lan tuần tra không phận của nước này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho hay, ông không loại trừ khả năng thảo luận với NATO về kịch bản đóng không phận Ukraine. Phần Lan không phải thành viên của NATO, nhưng đã nộp đơn xin gia nhập.
"Tôi chắc chắn sẽ thảo luận về vấn đề đóng cửa không phận (Ukraine)" - Ngoại trưởng Haavisto khẳng định và nói rõ thêm rằng nếu kịch bản này xảy ra, mọi máy bay đi vào vùng cấm bay có thể bị bắn hạ. Tuy nhiên, ông thừa nhận, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi nó đòi hỏi nguồn lực trinh sát rất lớn.
Vấn đề lập vùng cấm bay ở Ukraine nóng trở lại sau các vụ tập kích tên lửa quy mô lớn gần đây của Nga. Theo số liệu của Không quân Ukraine, hôm 15/11, Nga đã phóng tổng cộng hơn 90 tên lửa trong cuộc tập kích lớn chưa từng có vào Ukraine. Đợt không kích này đã phá hủy hàng loạt hạ tầng năng lượng, khiến khoảng 7 triệu người dân Ukraine mất điện.
Kiev tuyên bố đã đánh chặn phần lớn tên lửa của Moscow. Tuy nhiên, trùng thời điểm đó, một tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, khiến 2 công dân nước này thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Ba Lan sau đó ra thông báo nói rằng: "Một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống, khiến 2 công dân của Ba Lan thiệt mạng". Người phát ngôn Lukasz Jasina cho hay, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga để "giải thích rõ ràng và ngay lập tức".
Ba Lan - một thành viên NATO - thừa nhận chưa có bằng chứng xác đáng bên nào đã phóng tên lửa và đang mở cuộc điều tra.
Về phần mình, Nga phủ nhận liên quan tới vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan, nhấn mạnh nước này không thực hiện các vụ tập kích vào khu vực gần biên giới Ukraine - Ba Lan. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin cho rằng tên lửa của Nga bắn trúng lãnh thổ Ba Lan, đồng thời mô tả những cáo buộc như vậy là "hành động khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang tình hình". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông không nhận được bất kỳ thông tin nào về vụ nổ ở Ba Lan.
Trong khi đó, Ukraine khẳng định đó là tên lửa của Nga. Theo Ukranews, Kiev hôm 16/11 đề nghị được tiếp cận "ngay lập tức" hiện trường vụ rơi tên lửa để phối hợp điều tra.
Đồng thời Kiev kêu gọi, đã đến lúc phương Tây cần hỗ trợ lập vùng cấm bay trên toàn không phận Ukraine để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tập kích tên lửa của Nga. "Không cần phải viện cớ và trì hoãn các quyết định quan trọng. Đã đến lúc châu Âu đóng cửa bầu trời Ukraine. Vì an ninh của chính họ nữa" - ông Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, kêu gọi trên Twitter ngày 16/11.
Ông Podoliak nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho các cuộc không kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào Ukraine và cả những rủi ro ngày càng tăng với các nước láng giềng của Ukraine.
Phát biểu với đài CNBC, ông Yuriy Sak - Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói rằng các đồng minh của Ukraine lẽ ra phải đáp lại các yêu cầu lặp đi lặp lại của Kiev về việc thiếp lập “vùng cấm bay” trên lãnh thổ nước này.
Đây không phải lần đầu tiên Ukraine đề nghị các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ lập vùng cấm bay. Đề nghị thậm chí được đưa ra gần như ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, phương Tây đến nay vẫn không mặn mà với đề xuất này của Kiev.