Theo nghiên cứu của cơ quan EconPol Europe, việc ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong ngắn hạn có thể khiến Đức thiệt hại tới 3% tổng sản phẩm quốc nội. Các nhà nghiên cứu của mạng lưới EconPol Europe lưu ý rằng Berlin có thể tìm nhà cung cấp khí đốt, dầu mỏ và than đá khác, song điều này khó có thể thay thế hoàn toàn nguồn cung năng lượng của Nga.
Theo Tass, chuyên gia Andreas Peichl của cơ quan EconPol Europe cho biết thiệt hại của việc ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga sẽ rất lớn trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Đức mất khoảng 4,5% GDP. Theo ông Peichl, việc này cũng có thể đe dọa đến đà phục hồi kinh tế Đức khi phần lớn các ngành công nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch.
Theo nghiên cứu của EconPol Europe, việc thay thế nhập khẩu khí đốt của Nga rất phức tạp. "Đức có thể tìm nguồn khí đốt nhập khẩu từ các quốc gia khác, ngoài Nga, và dự trữ khí đốt có thể được bổ sung trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, các biện pháp này không thể bù đắp nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga trong 12 tháng tới" - các chuyên gia của EconPol Europe nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết Berlin sẵn sàng ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga, gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ông Habeck nói rằng giới chức Đức đã xúc tiến kế hoạch này từ tháng 12 năm ngoái. Theo ông Habeck, Đức cần phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga “càng sớm càng tốt”.
Chính phủ Đức ngày 5/3 đã tiến hành thêm một bước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga với việc công bố kế hoạch xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức, Ngân hàng Tái thiết KfW đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà sản xuất điện hàng đầu của nước này RWE và nhà điều hành mạng lưới Hà Lan Gasunie để xây dựng nhà ga ở thị trấn cảng Brunsbuettel.
Bộ Kinh tế cho biết nhà ga này sẽ có công suất là 8 tỷ m3 mỗi năm và sẽ được tiến hành xây dựng nhanh nhất có thể. Ngân hàng KfW sẽ nắm 50% cổ phần vì cung cấp nguồn tài chính, còn RWE sẽ có 10% cổ phần trong nhà ga này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Sigrid Kaag nhấn mạnh: “Nhà điều hành mạng lưới Hà Lan Gasunie đang đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh khí đốt của châu Âu thông qua việc xây dựng một nhà ga LNG ở Brunsbüttel. Đây là một bước đi tích cực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga”.