Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức gấp rút huấn luyện Ukraine dùng Leopard 2: Điều gì đang xảy ra?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đức vừa lên kế hoạch sớm đào tạo binh sĩ Ukraine vận hành xe tăng Leopard 2 với viễn cảnh Nga có thể chiến thắng nếu Kiev không được phương Tây viện trợ vũ khí trong những tuần tới.

Đức lên kế hoạch đào tạo binh sĩ Ukraine vận hành xe tăng Leopard 2. Ảnh: DW
Đức lên kế hoạch đào tạo binh sĩ Ukraine vận hành xe tăng Leopard 2. Ảnh: DW

Tuần báo Der Spiegel của Đức trích dẫn các nguồn tin hôm 12/2 cho biết, nước này sẽ bắt đầu huấn luyện lực lượng quân đội Ukraine vận hành xe tăng Leopard 2 vào tuần tới. Do hạn chế về thời gian, các khóa học sẽ được rút ngắn xuống còn 6-8 tuần.

Theo Der Spiegel, lực lượng an ninh Berlin đã đưa một số binh sĩ Ukraine tham gia khóa học đầu tiên từ Ba Lan đến Đức trong vài ngày qua. Những binh sĩ này sẽ được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard 2 tại một căn cứ quân sự gần thị trấn Munster ở Lower Saxony, nơi lực lượng quân đội Ukraine đang được đào tạo để vận hành xe chiến đấu bộ binh Marder (IFV).

Các binh sĩ Ukraine sẽ được hướng dẫn  những kiến thức cơ bản nhất để có thể vận hành xe tăng của Đức.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro của Pháp hôm 11/2, Tổng thống Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng Nga có thể chiến thắng "nếu Ukraine không nhận được sự giúp đỡ khẩn cấp”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: LRT
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: LRT

Ông Duda đồng thời nêu lợi thế của Ukraine nếu có sự hỗ trợ của phương Tây. “Chính quyền Kiev không có cơ sở hạ tầng quân đội hiện đại, nhưng họ có nhân lực” - ông giải thích. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã có phản ứng đối với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Ba Lan. Bà Zakharova nhấn mạnh ngay cả khi vũ khí phương Tây được cung cấp cho Ukraine một cách vội vàng  cũng không giúp thay đổi kết quả của cuộc xung đột.

"Sám hối về những gì họ đã làm là lối thoát duy nhất cho phương Tây" - bà Zakharova viết trên trang Telegram hôm 11/2.

Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến sát “lằn ranh đỏ” tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine khi liên tục hỗ trợ vũ khí cho Kiev.

Đầu tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin các thành viên NATO, sau khi hứa sẽ gửi hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực tới Ukraine, đã nảy sinh nghi ngại về việc thực hiện cam kết khi không có đủ xe dự phòng.

Chính phủ Đức cho biết 14 xe tăng Leopard 2 của nước này sẽ đến Ukraine vào cuối tháng 3 tới. Berlin cũng thông báo đang mua gần 190 chiếc Leopard 1 đã ngừng hoạt động để tân trang và gửi ra mặt trận.

Ba Lan, một trong những quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất, tuyên bố sẽ cung cấp cho nước láng giềng 14 chiếc Leopard 2 và 60 xe tăng T-72 cải tiến từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên, Hà Lan và Đan Mạch, những quốc gia đã gây áp lực buộc Đức phải gửi xe thiết giáp tới Ukraine, giờ đây lại tuyên bố rằng chính họ không thể gửi bất kỳ xe Leopard 2 nào cho Kiev. Phần Lan cho biết họ có thể chỉ cung cấp "một vài" xe tăng, nhưng nhiều khả năng là chỉ sau khi gia nhập NATO.

Các nước phương Tây cũng loại trừ việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16, một yêu cầu mới do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra.

Hôm 9/2 vừa qua, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Igor Zhovkva, thú nhận với Bloomberg rằng lực lượng Kiev "gần như không còn đạn dược" do giao tranh với quân Nga ở khu vực Donbass diễn ra với cường độ cao.