Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức nêu điều kiện để khôi phục hợp tác kinh tế với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà lãnh đạo Đức tuyên bố Berlin sẽ nối lại hợp tác kinh tế với Moscow khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine kết thúc.

Thủ tướng Đức Scholz phát biểu tại cuộc họp báo sau khi dự hội nghị trực tuyến với lãnh đạo nhóm G7 hôm 12/12. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Scholz phát biểu tại cuộc họp báo sau khi dự hội nghị trực tuyến với lãnh đạo nhóm G7 hôm 12/12. Ảnh: Reuters

RT đưa tin, trong bài phát biểu tại một sự kiện ở Berlin ngày 12/12, Thủ tướng Đức Scholz cho rằng, Đức nên làm ăn trở lại với Nga sau khi chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng Ukraine khép lại. Ông Scholz tin rằng Nga sẽ không chiến thắng trong cuộc chiến này.

Tuần báo Zeit dẫn lời Thủ tướng Scholz  nêu rõ: "Các mối quan hệ mà chúng ta có hiện bị thu hẹp lại. EU đang siết chặt các biện pháp trừng phạt, nhưng Nga sẽ vẫn là quốc gia lớn nhất trên lục địa châu Âu sau khi cuộc xung đột được giải quyết. Vì vậy, điều rất quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị cho thời điểm đó”.

Ông Scholz mô tả, cuộc xung đột hiện tại đang hủy hoại tương lai của Moscow, đồng thời nhấn mạnh rằng: "Nga không được thắng và cũng sẽ không thắng được".

Việc Berlin quyết tâm từ bỏ nhập khẩu năng lượng của Nga - chủ yếu do các đối tác trong liên minh đảng Xanh của Thủ tướng Scholz thúc đẩy - đã khiến nguồn cung năng lượng của Đức thiếu hụt ngay cả trước thời điểm hoạt động vận chuyển khí đốt của tuyến đường ống Nord Stream 1 bị gián đoạn vào tháng 9.

Chính phủ Đức đang cố gắng tìm nguồn cung năng lượng khác để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga, song hiện chưa thành công. Hồi đầu tháng này, Đại sứ Đức tại Mỹ thừa nhận những khó khăn kinh tế, nhưng nói đây là cái giá phải trả nhỏ cho một "sự chuyển đổi sâu sắc" của đất nước.

Liên quan đến cuộc xung đột hiện tại, mặc dù Thủ tướng Scholz cam kết sẽ giúp đỡ Ukraine, song Kiev tiếp tục kêu gọi Berlin cung cấp xe tăng và nhiều pháo hơn. Tuần trước, cựu Thủ tướng Angela Merkel đã thừa nhận, các thỏa thuận Minsk ký năm 2014 và 2015 không nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Donbass mà để "câu giờ cho Ukraine" vũ trang chống lại Nga.

Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ thất vọng trước lời thừa nhận của bà Merkel, cho biết niềm tin giữa Nga và Đức hiện "gần như bằng không".

Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không thực hiện các Thỏa thuận Minsk - được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt ở Ukraine. Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa ở vùng Donbass là các quốc gia độc lập, và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập, không bao giờ gia nhập NATO hay tham gia bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Về phần mình, Ukraine khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.