Theo hãng tin IANS, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 17/5 đã trình bày kế hoạch này, đồng thời khẳng định sự đóng góp hiệu quả nhất và rẻ nhất cho sự độc lập về năng lượng là tiêu thụ ít hơn.
Theo Công ty tư vấn năng lượng Aurora Energy Research có trụ sở tại Berlin, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, ngành công nghiệp và các hộ gia đình của nước này sẽ thiếu hụt từ 2-12 tỷ m3 khí đốt vào mùa Đông tới, tùy thuộc vào tình hình thời tiết.
“Mùa Đông tới là giai đoạn quan trọng. Tuy nhiên, có thể phải đến năm 2027 hoặc 2028 thì Đức và Liên minh châu Âu (EU) mới không còn phải lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt,” hãng tin Xinhua dẫn phát biểu của chuyên gia Casimir Lorenz tại công ty tư vấn Aurora.
Lạm phát tại Đức trong tháng 4 vừa qua đã tăng lên 7,4%, mức cao nhất trong 40 năm, do giá năng lượng và nhiên liệu động cơ tăng cao. Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thậm chí còn cao hơn, ở mức 7,5%.
Sau khi Chính phủ Đức gần đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm xuống 2,2%, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 16/5 đã hành động tương tự, cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Đức từ 4% xuống 2,7% và tăng tỷ lệ lạm phát dự kiến lên 6,1%, so với mức 3,5% trước đây.
“Rủi ro đối với nền kinh tế châu Âu do gián đoạn nguồn cung năng lượng vẫn còn rất cao,” ông Joachim Lang, Giám đốc điều hành của Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI), nhận định, đồng thời cảnh báo rằng việc gián đoạn xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ khiến tăng trưởng ở châu Âu đình trệ và có thể đẩy EU vào tình trạng suy thoái.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters đưa tin, trong ngày 18/5, EC dự kiến công bố một kế hoạch trị giá 210 tỷ euro nhằm đưa ra cách thức giúp châu Âu có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, và tận dụng việc "xoay trục" khỏi Nga để nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến EU phải cân nhắc lại các chính sách năng lượng của mình trong bối cảnh lo ngại những cú sốc nguồn cung ngày càng gia tăng. Nga hiện đang cung cấp 40% khí đốt và 27% lượng dầu nhập khẩu của khối này và các nước EU đang đấu tranh để thống nhất các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Nga.
Theo tài liệu dự thảo của EC được Reuters thông tin, để các nước thành viên từ bỏ các loại nhiên liệu đó, EU sẽ đề xuất một kế hoạch gồm ba mũi nhọn: chuyển sang nhập khẩu nhiều hơn khí đốt không có nguồn gốc từ Nga, đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh hơn và nỗ lực hơn nữa trong tiết kiệm năng lượng.
Brussels dự kiến yêu cầu đầu tư bổ sung 210 tỷ euro và EU có kế hoạch hỗ trợ bằng cách giải ngân thêm cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ quỹ phục hồi Covid-19 của khối. Điều này cuối cùng sẽ làm giảm hàng tỷ euro châu Âu chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch mỗi năm.
Các kế hoạch này phác thảo một hướng đi ngắn hạn cho các nguồn cung khí đốt không phải của Nga, nhấn mạnh tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các quốc gia trong đó có Ai Cập, Israel và Nigeria, cộng với cơ sở hạ tầng cần thiết để xoay trục khỏi Nga.