Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức tiết lộ lý do chưa thể cấm vận dầu và khí đốt của Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Kinh tế Đức vừa khẳng định việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga ngay lập tức có thể sẽ gây ra tình trạng đói nghèo hàng loạt ở nước này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết việc cấm vận đối với lĩnh vực năng lượng của Nga ngay bây giờ sẽ làm suy yếu nền kinh tế và khiến cuộc sống của người dân bình thường trở nên khốn khổ.

Đức lo ngại rơi vào tình trạng đói nghèo hàng loạt nếu cấm vận dầu khí Nga. Ảnh: RT
Đức lo ngại rơi vào tình trạng đói nghèo hàng loạt nếu cấm vận dầu khí Nga. Ảnh: RT

Trả lời phỏng vấn trên đài ARD mới đây, Bộ trưởng Robert Habeck thừa nhận sự phụ thuộc của Đức vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga “vẫn ở mức tương đối cao.

“Nếu dừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga, Đức sẽ đối mặt với thiếu hụt nguồn cung, thậm chí đóng băng, đi cùng đó là thất nghiệp và đói nghèo” - ông Habeck lưu ý thêm, đồng thời cảnh báo về viễn cảnh người dân Đức không đủ nhiên liệu sưởi ấm, hết xăng đổ cho xe ô tô.

Bộ trưởng Habeck thừa nhận. "Với than đá, dầu khí, Đức đang từng bước thực hiện quá trình tự chủ về nguồn cung. Nhưng chúng ta không thể làm điều đó ngay lập tức. Thật cay đắng và không dễ dàng khi phải chấp nhận thực tế như vậy, nhưng chúng ta vẫn chưa thể làm khác được".

Theo nghiên cứu của cơ quan EconPol Europe, việc ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong ngắn hạn có thể khiến Đức thiệt hại tới 3% tổng sản phẩm quốc nội. Các nhà nghiên cứu của mạng lưới EconPol Europe lưu ý rằng Berlin có thể tìm nhà cung cấp khí đốt, dầu mỏ và than đá khác, song điều này khó có thể thay thế hoàn toàn nguồn cung năng lượng của Nga.

Châu Âu đang chịu áp sức ép phải mở rộng các lệnh trừng phạt lên Nga để đáp trả việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Pháp từ ngày 10-11/3 vừa qua, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga vào năm 2027.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8/3 công bố kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp EU giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm thông qua những bước đi như tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tuy nhiên khác với Mỹ và Anh, EU chưa áp dụng lệnh cấm tức thời lên hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga. Các quan chức EU cho biết, các nước thành viên phải xử lý vấn đề giá năng lượng tăng cao và phải bổ sung kho dự trữ khí đốt trước mùa đông.

Cú sốc giá năng lượng do xung đột Nga - Ukraine đang đe dọa đến nền kinh tế EU vốn vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các nước EU vẫn đang phụ thuộc vào năng lượng của Nga, với nhiên liệu nhập khẩu từ Nga hiện chiếm tới 40% nhu cầu khí đốt, 27% nhập khẩu dầu mỏ và 46% nhập khẩu than đá của toàn liên minh.

Đến nay, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine mới chỉ tập trung vào các ngân hàng Nga, một số nhân vật có tầm ảnh hưởng, cấm máy bay Nga và không phận EU và ngừng xuất khẩu công nghệ sang Nga.