Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ) vừa ra quyết định xử phạt hành chính một người phụ nữ đã có hành vi “chặt chém” 200.000 đồng cho một túi táo nhỏ đối với du khách quốc tế.

Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc rất nhanh chóng, kịp thời, song hành vi của người phụ nữ kia như "con sâu làm rầu nồi canh", làm ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt du khách.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng người bán hàng, cung cấp dịch vụ trên địa bàn Hà Nội "chặt chém" du khách. Còn nhớ cuối năm 2022, sự việc một nhóm bạn trẻ bị người bán hàng rong ở Hồ Gươm "hét giá" 80.000 đồng cho một củ khoai nướng từng gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Hay trước đó, một số du khách nước ngoài cũng từng bị tài xế taxi lấy tiền gấp hàng chục lần tiền cước cho một đoạn đường ngắn...

Nhiều DN du lịch, lữ hành tại Hà Nội cho rằng, tình trạng “chặt chém” du khách là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến Thủ đô đã một đi không trở lại. Không chỉ với khách quốc tế mà nhiều du khách trong nước cũng rất đắn đo mỗi khi lên kế hoạch đi du lịch, ghé thăm các điểm đến nổi tiếng tại Hà Nội. Bởi chỉ một hình ảnh xấu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay.

Đáng mừng là mới đây, nhằm hạn chế nạn “chặt chém” khách du lịch, nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã đồng loạt công khai, niêm yết giá dịch vụ để khách du lịch thoải mái lựa chọn. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một hành động rất văn minh, giữ hình ảnh Thủ đô đẹp trong mắt du khách. Từ việc công khai giá dịch vụ đã ngăn chặn tư duy làm du lịch theo kiểu “chộp giật”, chèo kéo, khiến du khách ức chế, nhất là những đoàn khách nước ngoài.

Khi dòng khách du lịch đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ năm 2024, việc cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa với ngành du lịch nói riêng mà cả hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung của nền kinh tế. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, TP Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023).

Trong đó, gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, hạn chế việc kinh doanh chộp giật, làm xấu hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt du khách, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc quản lý điểm đến, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời định hướng kinh doanh cho người dân;

Yêu cầu các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm. Cùng với đó, công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ… du khách; kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách.

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, yêu cầu đặt ra với ngành du lịch là cần ban hành một bộ tiêu chí chấm điểm quản trị, phát triển du lịch cho các tỉnh, thành. Các tiêu chí có thể bao gồm quản lý an ninh, trật tự, an toàn dành cho khách du lịch; bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch; chất lượng dịch vụ... Bộ tiêu chí khi được ban hành sẽ tạo áp lực khiến nhà quản lý địa phương phải vào cuộc ngăn chặn hiện tượng “chặt chém” du khách.

Trong nỗ lực xây dựng Hà Nội là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Theo đó, mỗi công dân Thủ đô trong sinh hoạt, hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ… cần giữ gìn, có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, thể hiện sự lịch lãm, tinh tế, thân thiện, hiếu khách, văn minh, làm cho Hà Nội trở thành một đô thị đáng sống, điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Để Chỉ thị đi vào cuộc sống, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền các cấp, rất cần sự chung tay thực hiện của mỗi người dân Thủ đô.