Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để quá nhiều nước mắt muộn màng

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Trong khi việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe máy điện… được thực hiện khá tốt với phụ huynh thì ngược lại, tỷ lệ này lại quá thấp với học sinh (HS) - đối tượng luôn cần được chăm sóc và bảo vệ.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, hàng năm, toàn quốc có khoảng 1.900 trẻ tử vong do TNGT, trong đó có tới 50% do không đội MBH. Điều này có nghĩa, hàng nghìn tiếng cười của trẻ thơ mãi mãi không quay trở lại. Là những người làm cha, làm mẹ, nếu chúng ta không vô tâm, sẽ chẳng có những điều đáng tiếc như vậy xảy ra.
Quá nhiều… “giá như”
Cứ đến năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đều có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên tuyên truyền ATGT cho HS vào đầu hoặc cuối giờ học, qua panô, băng rôn, trong các giờ ngoại khóa hoặc sinh hoạt tập thể… Bên cạnh đó, triển khai ký cam kết với các bậc phụ huynh không giao xe máy cho HS khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội MBH cho HS khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy... Thế nhưng, trên các ngả đường của TP rất dễ bắt gặp hình ảnh HS đi xe đạp điện, xe máy điện không đội MBH với tốc độ cao. Cá biệt ở một số tuyến phố Thái Hà – Chùa Bộc; Tây Sơn – Tôn Đức Thắng..., dù biết có lực lượng CSGT làm việc thường xuyên nhưng nhiều HS vẫn ngang nhiên không đội MBH, đi ngược chiều, dàn hàng ngang, thậm chí vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông.

Trẻ em vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Công Hùng

Những hành động trên quả thật đáng báo động cho tình trạng thờ ơ trước tính mạng của con trẻ. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia từng cho biết, khi đến thăm nạn nhân TNGT là trẻ em và đặc biệt là khi ngồi lại với gia đình họ, ông hay được nghe những câu nói bắt đầu bằng từ “Giá như”: “Giá như tôi đừng đi quá nhanh”, “Giá như tôi đừng vượt đèn đỏ”, và thường xuyên nhất là “Giá như tôi đội MBH cho cháu”...
Tình trạng không đội MBH không chỉ xảy ra ở HS THCS và THPT, mà cũng khá phổ biến ở HS bậc tiểu học. Biện hộ cho việc không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đội MBH cho trẻ, các vị phụ huynh thường đưa ra lo lắng “ngược”: Đội MBH, trẻ có thể bị ảnh hưởng đốt sống cổ (?!). Anh Nguyễn Văn Tú, phụ huynh đón con tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) biện minh, nhà gần trường nên mỗi lần đi đón con rất ngại mang mũ MBH cho con. “Thật ra, tôi cũng biết người tham gia giao thông trên đường không đội MBH là rất nguy hiểm, nhưng vì nhà gần trường, không đội một lúc chắc không có vấn đề gì!”. Chính sự lơi là, chủ quan của những bậc phụ huynh, không chỉ gây nguy hiểm đối với con trẻ, mà còn tạo nên ý thức không tốt đối với các em trong việc chấp hành luật lệ giao thông.
Người lớn đừng “dửng dưng”
Theo nhiều chuyên gia giao thông, việc giáo dục tuyên truyền giao thông cho con trẻ ngay từ ghế nhà trường là “đúng địa chỉ”, có định hướng bài bản. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập khi HS ở trường được thầy cô dạy cái hay, cái đúng, nhưng phải chứng kiến nhiều hình ảnh trái ngược với những gì học được từ chính... người thân. Rất nhiều phụ huynh vượt đèn đỏ, không đội MBH, chạy quá tốc độ quy định… trở thành hình ảnh phản cảm, tác động mạnh vào ý thức trẻ em. Như thế thì sao các em nhỏ sẽ hình thành và thực hiện tốt văn hóa giao thông được?
Ông Nguyễn Hiệp Thống - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, khó khăn hiện nay trong việc tuyên truyền, giáo dục HS chấp hành quy định về ATGT là thiếu sự vào cuộc kiên trì, quyết liệt của các bậc phụ huynh HS. Vẫn còn những ông bố, bà mẹ dửng dưng trong việc uốn nắn hành vi tham gia giao thông của con trẻ. Thậm chí tiếp tay cho sự “lười biếng” chấp hành quy định giao thông trên đường bằng những hành động “không phải đội MBH đâu con, nhà mình gần”, hay “ bố vội quá nên phải vượt đèn đỏ…”.
Ngay tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 - 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Chúng ta cứ nói mãi câu chuyện đi xe đạp điện không đội MBH, bị cấm nhưng vẫn đi xe máy gửi bên ngoài trường... Thế nên, cần tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ từ trong nhà trường, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông ngay từ các em nhỏ. Các em thực hiện tốt luật giao thông sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ. Do đó, các nhà trường nên bố trí học Luật Giao thông đường bộ cho các em ít nhất một tuần trong mỗi năm học" - Chủ tịch UBND TP đề nghị. Theo Chủ tịch UBND TP, với trọng trách giáo dục 1,7 triệu HS, chiếm 1/4 dân số Thủ đô, sức lan tỏa, ảnh hưởng của nhà trường rất rộng.
Rõ ràng, việc ngăn chặn vi phạm giao thông ở lứa tuổi HS không chỉ dừng ở hành động xử phạt, mà quan trọng hơn cả, đó là công tác tuyên truyền, sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, giữa nhà trường với CSGT... Và để kết quả này thực sự bền vững, phải giải quyết căn cơ từ gốc, nghĩa là tác động chuyển biến ngay trong nhận thức của mỗi phụ huynh, HS.