Đừng để sức khỏe, niềm tin bị xói mòn
Kinhtedothi - Gần đây, liên tiếp nhiều vụ sản xuất hàng giả quy mô lớn bị lực lượng chức năng triệt phá như sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, dầu ăn, bột canh, mì chính, hạt nêm giả… đang dấy lên lo ngại về sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng dần bị xói mòn.
Sự lan rộng của vấn nạn hàng giả cả về quy mô, chủng loại mặt hàng và tính chất tinh vi cho thấy các đối tượng không từ mọi thủ đoạn để đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt các cơ quan chức năng.Mức độ nghiêm trọng còn thể hiện ở việc các đường dây sản xuất hàng giả hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, sử dụng máy móc hiện đại và che giấu rất kỹ càng, khó phát hiện. Thậm chí, nhiều vụ việc còn liên quan đến các DN có quy mô lớn, được tiêu thụ ở cả các bệnh viện lớn.
Tác động của vấn nạn hàng giả rất nghiêm trọng, bởi nó không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền và sức khỏe của người dân, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới các DN làm ăn chân chính. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao hàng giả vẫn tồn tại, vẫn lưu thông trên thị trường, phải chăng do mức xử phạt không đủ sức răn đe?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa là do sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật và lòng tham thu lợi bất chính của một bộ phận cá nhân, tổ chức. Vì lợi nhuận, các đối tượng bất chấp các quy định, thực hiện các hành vi vi phạm, gây tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự thị trường. Bên cạnh đó là những lỗ hổng trong quản lý như: cơ chế hậu kiểm lỏng lẻo, công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa hiệu quả, thiếu phối hợp liên ngành. Đáng nói, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn còn có tâm lý ưu tiên hàng giá rẻ, dễ dãi lựa chọn sản phẩm mà chưa chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng.
Rõ ràng, vấn nạn hàng giả không chỉ gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính, mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Do đó, các cơ quan quản lý cần khẩn trương nâng cao chất lượng hậu kiểm, ứng dụng công nghệ, siết chặt quản lý DN và thiết lập cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan. Về lâu dài, để ngăn chặn và đẩy lùi hàng giả, bên cạnh việc chỉnh sửa các quy định pháp luật cho phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và DN chân chính.
Quan trọng hơn cả vẫn là sự chủ động nâng cao nhận thức, cảnh giác của người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, không chạy đua theo hàng hóa giá rẻ, không phụ thuộc niềm tin mua hàng vào các KOL, KOC... Khi phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái người tiêu dùng nên chủ động tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý.
Vẫn biết để giải quyết vấn nạn hàng giả là không dễ, song việc mà các cơ quan chức năng cần làm ngay, thường xuyên và liên tục là tăng cường kiểm soát thị trường từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối; đồng thời siết chặt khâu hậu kiểm để phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng được xem là một giải pháp giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật và hàng giả.

Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm hàng giả, quảng cáo sai sự thật
Kinhtedothi - Cử tri và Nhân dân bức xúc, bất bình và lên án mạnh mẽ đối với một số vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây, như: Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả: “sữa giả”, “thuốc giả”, “thực phẩm kém chất lượng”; tình trạng lừa đảo, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng...

Quảng Ninh: đề nghị thu hồi 12 sản phẩm dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả
Kinhtedothi - Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Văn bản số 1686/SYT-NVY về việc xử lý đối với sản phẩm thực phẩm theo đề nghị của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về việc thu hồi sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.