Lọ thuốc Tàu 200.000đ ủ được 15 tấn chuối
Ông Nguyễn Văn N. một trong những thương lái buôn chuối có tiếng từ những năm thập niên 90 thế kỷ trước đã trao đổi với chúng tôi khá cởi mở về quy trình ngâm tẩm để chuối tươi lâu và chín đều. Theo ông N., sau khi buồng chuối được mua về, muốn chuối tươi, không bị dập chỉ cần dùng một loại hóa chất không màu, không mùi, không vị, pha dung dịch này với khoảng một thùng nước to, sau đó nhúng từng buồng chuối vào. Vừa nói, ông N. vừa chỉ tay vào những lọ thuốc này và cho biết, một lọ thuốc trung bình sẽ nhúng được từ 15 tấn chuối.
Ông N. cho chúng tôi xem lọ thuốc được ghi toàn bằng chữ Trung Quốc, rồi ông nói thêm thuốc này nếu là người bình thường thì không mua được mà phải là những người trong cuộc như chúng tôi buôn chuối mới kiếm được. Một lọ như thế được mua với giá 200.000 đồng. Quan sát kỹ lọ hóa chất ông N. cho xem, chúng tôi thấy trên lọ toàn ghi chữ Trung Quốc không được dịch sang tiếng Việt. Ông N nói rằng đó chỉ là công đoạn ban đầu để giữ chuối khỏi dập trong quá trình vận chuyển.
Vào chính mùa chuối, trung bình mỗi ngày ông N. buôn từ 2 đến 3 tấn. Sau khi thu mua xong ông N. được các thương lái khác tận tay đưa hóa chất để ngâm tẩm cho chuối và đóng vào thùng xốp trung bình khoảng 9 cân tương đương với 5 đến 6 nải chuối. Xong họ tiếp tục vận chuyển đóng container qua cửa khẩu Móng Cái để đưa hàng sang Trung Quốc.
Đến công đoạn để chuối chín đẹp mắt mà không cần làm theo cách truyền thống. Ông N. cho biết có một loại hóa chất ở thể lỏng, đựng trong một lọ nhựa nhỏ được mua với giá 5.000 đồng/lọ, chúng tôi đã nhờ ông mua hộ 5 lọ với giá 25.000 đồng. Với mỗi lọ hóa chất này ông N. nói rằng phải hòa tan trong 5 lít nước sẽ nhúng được khoảng 15 kg chuối, nhưng khi thực hiện thao tác thì tránh không được nhúng cuống vì như thế nải chuối sẽ nhanh hỏng. Qua ngày hôm sau nải chuối sẽ chín đều rất bắt mắt.
Theo ông N., chuối bán tại thị trường trong nước dân buôn cũng đều dùng các hóa chất này để ngâm và ủ chuối, nếu không thì chuối sẽ không chín đều và mauđã có vài lần ăn rồi.
Quản lý thị trường Hải Phòng không biết!
Đem những nghi vấn trên chúng tôi tìm đến bà Trần Thị Nghĩa – Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hải Phòng, cho biết: “Loại hóa chất ghi trên sản phẩm đều là tiếng Trung Quốc, khi chưa được mã hóa sang tiếng Việt thì hóa chất đó coi như vi phạm về nhãn mác và được coi là hàng hóa bán trôi nổi ngoài thị trường. Nếu Chi cục Quản lý thị trường phát hiện thì họ sẽ bắt và phạt theo quy định.
Để biết hóa chất đó có độc hại hay không hoặc độc hại cỡ nào thì cần phải có đợt thanh kiểm tra trực tiếp sau đó cơ quan chức năng thu giữ loại thuốc đó để đem đi kiểm tra các thành phần của hóa chất... còn như thế này chúng tôi không thể làm gì hơn”.
Khi đem loại thuốc đó đến một cơ sở bán thuốc thực vật nổi tiếng tại địa bàn Hải Phòng, chủ cửa hàng cho biết loại hóa chất nói trên nằm trong danh mục bị cấm không được nhập khẩu về Việt Nam.
Như vậy 02 loại hóa chất nói trên hiện đang được bán trôi nổi ở khắp nơi, có điều nếu không phải là thương lái hoặc dân buôn hoa quả chuyên nghiệp sẽ khó mua loại hóa chất này. Trên thực tế nó có độc hại hay không thì lại là một câu chuyện còn bỏ ngỏ. Là dân buôn chính hiệu họ cũng chỉ biết mua về để ngâm tẩm cho hoa quả tươi ngon và đẹp mắt dễ đánh lừa người tiêu dùng. Trong khi chúng tôi rất muốn các cơ quan chức năng có liên quan đưa ra câu trả lời xác đáng thì lại vô cùng khó.
Liên lạc đến ông Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường về nội dung trên, sau một hồi vòng vo ông ta đã tránh gặp mặt báo chí.
Như vậy người tiêu dùng vẫn chưa thực sự yên tâm khi chất lượng của các mặt hàng nông sản hiện đang bị thả nổi, những tình trạng ngộ độc về thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày. Những thực phẩm kém chất lượng không chỉ gây hại đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất cân bằng cho sản xuất nông nghiệp. Người tiêu dùng hãy là những người thông minh nhất trong việc lựa chọn sản phẩm cho chính minh và người thân.