Vốn bảo trì, sửa chữa đường còn “đói”
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2017, đơn vị đã triển khai khởi công 467 cầu dân sinh trên phạm vi 43 tỉnh (trong tổng số 50 tỉnh); nhiều cầu dân sinh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; dự kiến, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất sẽ đưa vào sử dụng khoảng 200 cầu phục vụ bà con nhân dân đón Tết. Đơn vị cũng đã xử lý 428 điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên hệ thống Quốc lộ với tổng kinh phí là 395 tỷ đồng; thay thế điều chỉnh 4.200 biển báo; sơn kẻ 2.250km vạch sơn đường và sửa chữa, bổ sung 825km hộ lan tôn sóng.Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện nay, hệ thống quốc lộ còn 230 điểm đen và 550 điểm tiềm ẩn TNGT. Năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xử lý khoảng 500 điểm, kinh phí khoảng 400 tỷ đồng, tập trung vào các điểm đen và các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ; các điểm tiềm ẩn TNGT còn lại kinh phí lớn, trước mắt sẽ xử lý tạm và xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản.
"Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về thể chế; công tác kế hoạch quản lý, bảo trì tiếp tục đổi mới, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội", ông Huyện khẳng định.Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khó khăn lớn nhất của đơn vị trong công tác duy tu, sửa chữa đường và xử lý các điểm đen giao thông là việc nguồn kinh phí để thực hiện công tác này đang rất thiếu. Nguyên nhân chính là do nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ hiện chưa đủ đáp ứng với nhu cầu sửa chữa, duy tu đường và xử lý các điểm đen giao thông. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị mức tăng 15 - 20% vốn bảo trì hàng năm để công tác quản lý, bảo trì ngày càng tốt hơn.
Sửa ngay đường xuống cấp còn lợi hơn làm đường mới
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu nhìn vào số liệu báo cáo thì duy tu bảo dưỡng đang bình thường, nhưng thực sự rất thiếu vốn. Vì không có tiền, nên hệ thống giao thông ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Thể dẫn chứng, năm 2017 lập một dự án trung đại tu đường cần 23.000 tỷ đồng nhưng cả Quỹ bảo trì đường bộ mới có 10.000 tỷ đồng. Chưa kể, Quỹ này phân chia về cho địa phương 35%, vì thế Tổng cục chả còn bao nhiêu để bảo trì, sửa chữa Quốc lộ.Trước khó khăn trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư bức tranh toàn cảnh có bao nhiêu km Quốc lộ trong vòng 5 - 10 năm tới cần bao nhiêu tiền bảo trì. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do nguồn vốn bảo trì đường đang còn thiếu và yếu như hiện nay, cách hữu hiệu nhất là tuyến đường nào xuống cấp phải sửa chữa ngay. "Nếu bỏ ra hàng nghìn tỷ làm một con đường mới, số người được hưởng thụ còn ít thì thay vào đó chỉ bỏ ra vài chục tỷ sửa chữa đường của dân đang bị xuống cấp thì họ sẽ rất mừng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.Thêm vào đó, nếu những đoạn đường xuống cấp không được sửa chữa kịp thời thì tình trạng xuống cấp sẽ ngày một xấu hơn, khi đó kinh phí để sửa chữa sẽ tăng theo. “Xã hội không biết đang duy tu bảo dưỡng như thế nào trong khi dân thì hay kêu về chất lượng đường. Nếu không duy tu kịp thời thì ổ gà sẽ biến thành ổ voi”, Bộ trưởng Nguyễn văn Thể nhấn mạnh.Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT trao tặng Bằng khen cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có thành tích trong công tác bảo trì đường bộ; trao tặng Cờ thi đua xuất sắc ngành GTVT cho 2 tập thể của Tổng cục. Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc ngành đường bộ cho 13 tập thể thuộc Tổng cục.