Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tốc độ bao nhiêu là phù hợp?

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được xây dựng với vận tốc 350km/h hay 200km/h? Đây vẫn là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Việc lựa chọn dự án theo phương án nào cũng sẽ làm thay đổi rất lớn về tổng vốn và hiệu quả đầu tư.

 Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tốc độ bao nhiêu là phù hợp? - Ảnh 1

Hiện tại, câu hỏi về việc dự án sẽ được chốt đầu tư theo phương án tốc độ nào vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Cả hai phương án được đưa ra là 300 - 350km/h như báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT và dưới 200km/h theo đề xuất của Bộ KH&ĐT đều có những ưu và nhược điểm nhất định.

Hiện cả hai bộ này vẫn đang có quan điểm trái chiều về phương án đầu tư dự án. Bộ GTVT nhất quán quan điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách và hàng hóa nhẹ với vận tốc 350km/h. Trong khi đó, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án khai thác tàu khách kết hợp tàu chở hàng, vận tốc 200km/h.

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Bộ GTVT đề xuất thực hiện phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu khổ 1.000mm chủ yếu để chạy tàu hàng; đồng thời, xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h (chỉ chở khách, không chở hàng). Lộ trình xây dựng theo 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 58,7 tỷ USD.

Trong khi đó, để phục vụ thẩm định dự án, Bộ KH&ĐT đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với dải tốc độ từ 160 đến dưới 200km/h, tốc độ thấp hơn phương án nêu trên, song chở được cả hành khách và hàng hóa.

Đại diện cơ quan tư vấn dự án - Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (Tedi) cho rằng, nếu với tốc độ 160 - 200km/h thì không là công nghệ đường sắt tốc độ cao. Bởi theo định nghĩa của Hiệp hội đường sắt quốc tế, tàu tốc độ cao phải thỏa mãn hai điều kiện.

Thứ nhất là, vận tốc phải đạt trên 250km/h. Thứ hai, đây phải là tuyến đường sắt xây mới. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển của ngành đường sắt mà Chính phủ đã phê duyệt đã xác định xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với hạ tầng thiết kế chạy tàu đạt tốc độ 350km/h.

Câu chuyện lựa chọn phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 350km/h hay 200km/h cũng tạo ra những cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia.

TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông cho rằng, việc lựa chọn tốc độ nào cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thỏa mãn được 2 tiêu chí, đó là thu hút được khách và phù hợp với đầu tư.

“Tốc độ thấp khó cạnh tranh với các phương thức giao thông khác, nhưng nếu tốc độ cao, mức đầu tư lớn vì mức độ an toàn phải ở mức độ tuyệt đối” - TS Phan Lê Bình nói, và cho rằng, việc lựa chọn công nghệ cũng cần tính đến công năng của tàu là tàu chở khách hay tàu chở hàng. Bởi tàu chở hàng thường chở nặng đòi hỏi nền đường phải chịu được lực và đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn.

Tuy nhiên, cũng có thể những hàng hóa chuyên chở trên đường cao tốc là hàng điện tử, hàng đông lạnh không phải là ximăng, sắt thép nên cũng không phải gia cường nền đường. Trên thực tế, đường sắt khổ 1m với 1,453m nếu về tốc độ thì không hơn nhau bao, không phải đường ray rộng là chạy nhanh.

Trong khi đó, GS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT lại cho rằng, dải tốc độ giới hạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở mức 200km/h là phù hợp với Việt Nam hiện nay.

Bởi, với tốc độ trên sẽ vừa đảm bảo rút ngắn thời gian triển khai dự án, lại vừa kịp giải tỏa áp lực đối với nhu cầu vận tải hàng hóa trên trục Bắc - Nam. Còn nếu lựa chọn dự án tàu tốc độ 350km/h sẽ có thể khiến Việt Nam dư thừa năng lực vận tải khách.

Với tốc độ 350km/h, công suất tàu có thể chuyển tải 364.000 hành khách/ngày, trong khi dự báo lượng hành khách chỉ đạt 40% số lượng này vào năm 2050. Hơn nữa, tàu tốc độ 350km/h chỉ chở khách nên vận tải hàng hóa trên trục Bắc - Nam không được cải thiện.