Theo đài CNBC, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với những phương án thay thế như tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu chạy qua vùng Viễn Đông của Nga.
Các công ty tổ chức vận chuyển hàng hóa đã ghi nhận lượng yêu cầu và đặt chỗ cho tuyến đường sắt qua Nga tăng mạnh. Vận chuyển bằng đường sắt hấp dẫn các chủ hàng nhờ chi phí rẻ hơn so với vận tải hàng không và nhanh hơn so với sử dụng vận tải đường biển.
Hãng RailGate Europe, chuyên vận chuyển hàng hóa bao gồm đồ nội thất, đồ chơi, quần áo và phụ tùng ô tô từ tuyến đường sắt Trung Quốc qua Nga đến các nước châu Âu, nói với CNBC rằng thời gian vận chuyển nhanh hơn nhiều so với đường biển.
Theo giám đốc phát triển kinh doanh của RailGate Europe, bà Julija Sciglaite, cuộc hành trình kéo dài từ 14-25 ngày tùy thuộc vào điểm xuất phát và điểm đến.
Một số công ty trước đó đã bày tỏ lo ngại về việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt qua lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, bà Sciglaite cho biết, kể từ khi lực lượng Houthi bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ từ cuối năm ngoái, tuyến đường này đã phục hồi mạnh vì thời gian vận chuyển ngắn hơn và chi phí ít hơn.
Theo ông Igor Tambaca, giám đốc điều hành của công ty hậu cần Hà Lan Rail Bridge Cargo, lượng đặt chỗ cho tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đã tăng 37% trong 4 tuần qua. “Nhu cầu về đường sắt bùng nổ, chủ yếu do sự gián đoạn của Biển Đỏ ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán” - ông Tambaca nói với đài CNBC.
Liên minh châu Âu (EU) cho phép hàng hóa bị trừng phạt được vận chuyển bằng đường sắt qua Nga, trong khi việc vận chuyển bằng đường bộ các sản phẩm bị trừng phạt lại bị cấm. Theo CNBC, hàng hóa quân sự hoàn toàn không thể được vận chuyển qua Nga.
Những chủ hàng không muốn gửi hàng qua đường sắt qua Nga có thể sử dụng tuyến đường chạy từ Trung Quốc qua Kazakhstan đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Caspian, nhưng tuyến này mất khoảng 26-29 ngày.
Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu bằng đường sắt vào khoảng 7.900 USD, theo ông Tambaca.
Theo báo cáo được hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố vào cuối tháng 1, vận tải hàng hóa qua kênh đào Suez đã giảm tới 45% kể từ khi lực lượng Houthi tấn công vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ.
Các công ty lớn trong ngành vận tải biển đã tạm thời ngừng sử dụng kênh đào Suez, tuyến thương mại hàng hải quan trọng nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ, cũng là tuyến đường vận tải biển quan trọng giữa châu Á và châu Âu.
Ông Jan Hoffmann - người phụ trách vấn đề hậu cần thương mại tại UNCTAD, cảnh báo rằng chi phí vận chuyển tốn kém hơn, kéo theo chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao, đồng thời làm tăng rủi ro lạm phát.
Nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ở Biển Đỏ từ cuối tháng 11 năm ngoái.
Nhận định với CNBC, ông Marco Forgione - tổng giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế, dự đoán tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới, thậm chí có thể trong cả năm 2024. “Việc điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu và phục hồi hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ sẽ phải mất nhiều tháng nữa” - ông Forgione cảnh báo.