"Chúng tôi thấy rằng Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình ở mọi nơi trên thế giới. Việc than vãn về điều đó là vô ích, vì vậy chúng tôi phải đưa ra các giải pháp thay thế", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trả lời báo giới bên lề cuộc họp với các đối tác EU tại Brussels.Theo đó, EU được cho đã vạch ra lộ trình cho một kế hoạch kết nối đầy tham vọng, gọi là "Một châu Âu được kết nối toàn cầu”, sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2022. "Điều quan trọng là EU điều phối chúng (các dự án cơ sở hạ tầng) rất chặt chẽ với Mỹ", Ngoại trưởng Đức nói thêm.Động thái hôm 12/7 đã tiếp nối loạt quyết tâm của khối sau các thỏa thuận với Ấn Độ và Nhật Bản, và những cam kết đã đạt được trong Thượng đỉnh G7 hồi giữa tháng 6 vừa qua tại Anh.Nhóm các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau hồi tháng 6 hướng đến gia tăng tính minh bạch trong việc chia sẻ cơ sở hạ tầng, với lời hứa sẽ cung cấp bảo lãnh cho các công ty tư nhân và nguồn hỗ trợ bởi chính phủ phương Tây thông qua những ngân hàng phát triển.Cùng với đó, EU đã ký kết quan hệ đối tác với Nhật Bản và Ấn Độ để điều phối các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số nối châu Âu và châu Á. Reuters dẫn lời các quan chức cho biết, cả Tokyo và Delhi đều lo ngại về "sự hào phóng" của Trung Quốc có thể khiến quốc gia đối tác Vành đai - Con đường phải gánh những khoản nợ khổng lồ.Các quan chức phương Tây cho rằng, Montenegro - một thành viên của liên minh quân sự NATO và có nguyện vọng gia nhập EU - hiện là "nạn nhân lớn nhất" của nợ Trung Quốc. Theo Reuters, một nhà ngoại giao EU tham gia soạn thảo chiến lược cơ sở hạ tầng kết nối của EU xác nhận rằng tài liệu hiện có 8 trang "viết về Trung Quốc". Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã thực hiện các dự án xây dựng tại hơn 60 quốc gia nhằm tìm kiếm mạng lưới liên kết đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Bắc Kinh đến nay vẫn phủ nhận mọi ý định ràng buộc khi thực hiện các dự án này, khẳng định rằng hành lang cơ sở hạ tầng chỉ tập trung vào nhu cầu của người dân.