EU bất đồng về đề xuất áp giá trần khí đốt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp và Ba Lan muốn áp trần giá khí đốt Nga. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối từ Đức - nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU.

Đề xuất áp giá trần khí đốt Nga đang vấp phải sự phản đối từ Đức - nền kinh tế lớn nhất EU. Ảnh: RT
Đề xuất áp giá trần khí đốt Nga đang vấp phải sự phản đối từ Đức - nền kinh tế lớn nhất EU. Ảnh: RT

Bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – tuyên bố, để giảm áp lực kinh tế trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp giá trần đối với khí đốt xuất khẩu của Nga.

Reuters đưa tin, đề xuất trên được bà Leyen thông báo hôm 7/9. Theo Chủ tịch EC, ngoài áp giá trần đối với khí đốt Nga, EU cũng có kế hoạch siết chặt tiết kiệm năng lượng, bao gồm bắt buộc cắt giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm và điều chỉnh lại chính sách giá điện.

“Chúng tôi sẽ đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga. Chúng tôi sẽ cắt bớt nguồn thu mà Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine," bà Leyen phát biểu hôm 7/9.

Tuần trước, bà Von der Leyen đã kêu gọi áp giá trần với khí đốt nhập khẩu của Nga. Giới chức EU kể từ đó đã chuẩn bị các phương án để triển khai. Đại diện các nước thành viên EU có một cuộc thảo luận hôm 7/9, trước khi các bộ trưởng năng lượng họp khẩn cấp vào ngày 9/9.

Đây là đề xuất từ ban lãnh đạo EU và sẽ cần sự đồng thuận của các nước thành viên để thông qua.

Hôm 5/9, Pháp trở thành nước đầu tiên ủng hộ kế hoạch của Brussels. Ba Lan cho biết cũng muốn có một mức trần giá khí đốt và mở rộng biện pháp này với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào châu Âu.

Tuy nhiên, theo tờ Politico, ý tưởng này đang vấp phải sự phản đối từ Đức - nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 5/9 cho biết bản thân Đức đã bị Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt. Nước này chỉ còn nhận được một lượng khí đốt rất nhỏ qua Ukraine sau khi Gazprom đóng cửa đường ống Nord Stream 1 để bảo trì. Ông Habeck không tin Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt nhiều hơn cho Đức.

Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz tỏ ra miễn cưỡng với đề xuất áp giá trần khí đốt Nga. "Chúng tôi vẫn ngờ vực các vấn đề xung quanh việc áp trần giá khí đốt. Nhưng nhìn chung chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc đàm phán trong khuôn khổ châu Âu," người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết.

Chính phủ Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moscow dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống phía nam TurkStream.

Giới chức Đức cũng giải thích rằng, việc họ do dự với ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga không liên quan nhiều đến lợi ích quốc gia mà là do tình hình nguồn cung trong khu vực. Vì nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, Đức sẽ buộc phải chia sẻ khí đốt của mình với các nước khác theo quy định của EU. Điều này sẽ khiến nguồn khí đốt của Đức trở nên khan hiếm hơn.

Trong khi đó, Czech - quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU cũng không mặn mà với ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga.

Bộ trưởng Công nghiệp Czech - Jozef Sikela cho rằng nên đưa ý tưởng đó ra khỏi chương trình nghị sự tại cuộc họp khẩn về năng lượng lượng của EU trong ngày 9/9 tới.

Phát biểu tại Quốc hội Czech hôm 7/9, Bộ trưởng Sikela cho biết ông không muốn thảo luận đề xuất này tại cuộc họp sắp tới của EU vì đây là "một công cụ chính trị, không phải là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng".

Ông Sikela nhấn mạnh: “Theo tôi, đây không phải là một đề xuất mang tính xây dựng. Ý tưởng này chỉ nhằm gây áp lực với Nga, hoàn toàn không phải là giải pháp thực tế cho cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu”.

Các quốc gia như Czech, Slovakia và Hungary có tỷ lệ phụ thuộc khí đốt trong mùa đông năm nay cao hơn Đức. Trong khi đó, Hungary - đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU - gần đây đã đạt được các thỏa thuận với Moscow để thúc đẩy việc cung cấp khí đốt.

Trước khi bà Leyen công bố kế hoạch trên, trong bài phát biểu cùng ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimi Putin cảnh báo, Moscow sẽ không bán khí đốt, dầu và than đá cho nước nào áp giá trần năng lượng Nga.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng phủ nhận tuyên bố của phương Tây rằng Moscow đang "vũ khí hóa" khí đốt. Tổng thống Putin cho rằng chính các biện pháp trừng phạt của Đức và phương Tây là nguyên nhân dẫn đến việc đường ống khí đốt Nord Stream 1 không hoạt động. Trong khi đó, Ukraine và Ba Lan đã tự quyết định cắt các tuyến khí đốt khác vào châu Âu.