RT đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20/7 công bố đề xuất “Tiết kiệm khí đốt cho một mùa đông an toàn”, yêu cầu các quốc gia thành viên EU giảm sử dụng khí đốt bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng khác và yêu cầu công dân tự phân chia tỷ lệ sử dụng. Nếu đề xuất của EC được thông qua, các nước thành viên sẽ phải báo cáo tiến độ về mục tiêu giảm 15% hai tháng một lần và các nhà chức trách EU sẽ có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và bắt buộc cắt giảm.
"Tôi rất tiếc khi nói rằng Tây Ban Nha không ủng hộ đề xuất này" - Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết ngay sau khi EC công bố kế hoạch cắt giảm khí đốt.
Đề cập rằng kế hoạch đã được tiết lộ mà không có cuộc tranh luận trong Hội đồng châu Âu, Bộ trưởng Ribera tuyên bố EU "không thể yêu cầu một sự hy sinh" khi "họ thậm chí chưa hỏi ý kiến trước của chúng tôi”.
Bộ trưởng Ribera lưu ý thêm: “Không giống như các quốc gia khác, người Tây Ban Nha chúng tôi không sử dụng năng lượng vượt quá khả năng của chúng tôi”.
Ngày 21/7, Hy Lạp, quốc gia phụ thuộc vào Nga 40% lượng khí đốt tự nhiên, cũng lên tiếng phản đối kế hoạch trên của EU. Người phát ngôn của chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou tuyên bố, Athens “không đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của EU về việc cắt giảm 15% mức sử dụng khí đốt”. Người phát ngôn Oikonomou nói rằng chính phủ Hy Lạp đã đệ trình các đề xuất riêng lên EU.
"Hiện Hy Lạp đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng cần thiết để đối phó với tình huống bất lợi nhất là nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga bị cắt. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với việc cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt" Reuters dẫn phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Kostas Skrekas nói với một đài phát thanh Hy Lạp hôm 21/7.
Bồ Đào Nha cũng không chấp nhận đề xuất của EU - Bộ trưởng Năng lượng Joao Galamba nói với tờ Publico của Bồ Đào Nha hôm 21/7. Theo Bộ trưởng Galamba, chương trình phân phối khí đốt toàn EU không tính đến thực tế là Bồ Đào Nha thiếu kết nối đường ống với phần còn lại của châu Âu, có nghĩa là khí đốt tiết kiệm được ở Bồ Đào Nha không thể được sử dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt ở những nơi khác.
Trong khi Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha lên tiếng công khai phản đối kế hoạch của EU, các quan chức ở Italia, Ba Lan và Hungary cũng bảo lưu quan điểm phản đối, theo Bloomberg. Sự phản đối của Hungary không gây bất ngờ vì Budapest đã kiên quyết chống lại việc cấm vận với năng lượng Nga trong các gói trừng phạt liên tiếp của EU đối với Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mô tả kế hoạch này là một nỗ lực chuẩn bị cho “việc Nga cắt hoàn toàn khí đốt”, cáo buộc Moscow “tống tiền” bằng năng lượng.
Trước đó, hôm 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tập đoàn dầu khí Nga Gazprom “sẵn sàng bơm nhiều khi cần thiết, nhưng EU đã tự đóng cửa mọi thứ”. Người đứng đầu Điện Kremlin trước đây đã gọi các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga là "thiếu suy nghĩ", đồng thời cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu đã thực hiện hành vi "tự sát" kinh tế.