EU đối mặt hậu quả nhãn tiền vì hạn chế nhập khí đốt từ Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường khí đốt châu Âu trong năm 2023 do dòng chảy năng lượng từ Nga đang giảm sút nghiêm trọng.

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: RT
Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: RT

Giám đốc điều hành Patrick Pouyanne của TotalEnergies, một trong 6 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, cho rằng xu hướng giảm giá trên thị trường khí đốt châu Âu hiện nay sẽ không kéo dài.

Trả lời hãng tin Bỉ L’Echo vào cuối tuần qua, CEO của “ông lớn” năng lượng Pháp cho rằng sự thiếu hụt dòng khí đốt của Nga đến Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đến những hạn chế về nguồn cung trên thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo ông, tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường khí đốt châu Âu trong năm nay do dòng chảy khí đốt từ Nga đang giảm sút nghiêm trọng và xu hướng giảm giá năng lượng hiện nay sẽ không kéo dài.

Ông Pouyanne cảnh báo: “Mùa đông khá ôn hòa, các kho chứa đã đầy và nhu cầu nhập khẩu LNG của châu Âu ít hơn. Tuy nhiên, rủi ro về nguồn cung trong năm 2023 này vẫn rất cao".

Ông dự báo, năm nay châu Âu sẽ phải ồ ạt nhập khẩu LNG và cần khối lượng nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên, do nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ giảm mạnh so với năm 2022, tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể xuất hiện trở lại.

Đài RT của Nga dẫn lời ông Pouyanne cho biết thị trường LNG toàn cầu đã trải qua một "cú sốc dữ dội" vào năm 2022 khi gần 50 triệu tấn (chiếm  khoảng 1/8 tổng sản lượng LNG trên thế giới), phải chuyển sang châu Âu để bù đắp cho nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.

Trong biến cố này, châu Âu đã phải chịu chi phí cao hơn. Trong khi đó, nguồn cung LNG trên thị trường toàn cầu hiện đang hạn chế và chỉ có thể ổn định trước năm 2025 hoặc 2026 sau khi các dự án sản xuất LNG của Mỹ và Qatar đi vào hoạt động.

Để thay thế toàn bộ lượng khí đốt mà EU từng nhập từ Nga (100 triệu tấn mỗi năm), khối này đã phải tăng gấp đôi lượng LNG nhập khẩu vào năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng của EU trong năm 2023 khó khăn hơn, vì không chỉ do hạn chế nguồn cung, mà cả nhu cầu lớn từ Trung Quốc sau khi quốc gia tỷ dân mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong một diễn biến liên quan, dữ liệu của cơ quan cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cho hay, tính đến ngày 28/1, lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở trữ ngầm của châu Âu (UGS) được lấp đầy 74,5%, chứa tổng cộng 81,2 tỷ m3 khí đốt.

Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay EU đã xoay sở để thay thế 80% lượng khí đốt do Nga cung cấp thông qua đường ống bằng cách giảm nhu cầu từ các nước thành viên và tăng nguồn cung khí đốt thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

Biến động cung-cầu khí đốt diễn ra khi EU tìm cách hạn chế thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Chiến dịch trừng phạt kinh tế chống Moscow đã gây ra tình trạng gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu và một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Ngoài ra, ngành công nghiệp châu Âu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do những nỗ lực từ bỏ nguồn cung năng lượng Nga, vì Moscow là nhà cung cấp khí đốt thiên nhiên lớn nhất cho EU, chiếm gần 40% nguồn cung cho khối trong năm 2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần