Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU khó lòng tịch thu tài sản Nga cho Ukraine

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt phản ứng với kế hoạch sử dụng doanh thu tạo ra từ tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ tái thiết Ukraine, do Tây Ban Nha đề xuất.

Một số đại sứ từ 27 nước thành viên của khối lập luận rằng, ý tưởng của Tây Ban Nha - chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng - sẽ không mang lại cho nền kinh tế Ukraine sự giúp đỡ khẩn cấp mà nước này cần, và thay vào đó có nguy cơ làm suy yếu cam kết của EU đối với Kiev.

Trong nhiều tháng gần đây, các quan chức EU đã tìm mọi cách để tịch thu khoản lãi từ khối tài sản trị giá khoảng 300 tỷ USD của Nga đã bị phương Tây đóng băng sau khi chiến tranh nổ ra. Nhưng kế hoạch này đã vấp phải sự hoài nghi từ một số chính phủ, bao gồm cả Pháp và Đức, cũng như từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn lo ngại nó có thể gây bất ổn đối với đồng tiền euro.

Những lời chỉ trích đã được nêu tại cuộc họp của các đặc phái viên EU vào tối 5/12. Theo đề xuất của Tây Ban Nha, Madrid ước tính rằng lợi nhuận từ dự trữ ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở các nước EU có thể tạo ra 15 tỷ - 17 tỷ euro cho Kiev vào năm 2027.

Ý tưởng sử dụng số tiền mặt được tạo ra từ các tài sản Nga bị phong tỏa xuất phát từ việc xem xét cách EU hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ muốn cấp cho Kiev khoản tài trợ 17 tỷ euro, cộng với 33 tỷ euro cho các khoản vay lãi suất thấp đến năm 2027, để ngăn chặn đất nước này phá sản.

Như vậy, nếu số tiền đó không đến từ thu nhập do tài sản Nga bị đóng băng tạo ra thì nó sẽ phải được rút ra từ nơi khác, và bất kỳ quyết định nào cũng cần có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên.

Cho rằng đề xuất của Tây Ban Nha quá trái ngược với quan điểm của hầu hết các chính phủ khác, một số nhà ngoại giao suy đoán rằng nó đã được các quan chức chính phủ Tây Ban Nha ở Madrid soạn thảo mà không hề xem xét đến quan điểm của các nước còn lại trong EU.

Nhìn chung, hầu hết các quốc gia cho rằng đề xuất của Tây Ban Nha không đáp ứng được ưu tiên của EU trong việc hỗ trợ Ukraine, vì sẽ mất nhiều tháng - thậm chí có thể nhiều năm - để Kiev nhận được các khoản tiền đó. Ngoài ra, Madrid được cho cũng đã nhầm lẫn trong cách tính toán các con số mà nước này đã đưa ra.

Một nhà ngoại giao giấu tên bình luận với Politico: "Đây không phải là đề xuất có thể chấp nhận được, để thảo luận tại EUCO (hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, sẽ diễn ra trong các ngày 14-15/12 tới) đối với nhiều quốc gia".

Dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng bởi các nước tham gia lệnh trừng phạt Moscow đa số là ở EU. Ví dụ, khoảng  180 tỷ euro được gửi vào Euroclear của Bỉ - một cơ quan thanh toán bù trừ đóng vai trò là người giám sát các khoản dự trữ của Nga.  Khi chứng khoán của Nga đến hạn và được các trung gian tài chính tái đầu tư, chúng sẽ tạo ra lợi nhuận.

Các cuộc đàm phán về việc tạo ra doanh thu từ những tài sản đó là một phần trong kế hoạch của EC cho khoản chi 66 tỷ euro vào quỹ bổ sung, để trang trải các khoản chi tiêu bất ngờ. Giám đốc điều hành EU cho rằng kho bạc của khối đã cạn kiệt do nhiều cuộc khủng hoảng, từ đại dịch đến chiến tranh ở Ukraine.

Một số nhà ngoại giao từ các quốc gia khác thậm chí còn đặt câu hỏi, liệu mục đích của Madrid khi đưa ra đề xuất này có phải là chuyển các khoản đóng góp bổ sung từ cuộc khủng hoảng Ukraine sang các lĩnh vực ngân sách khác như di cư và khả năng cạnh tranh của EU hay không?

Một nhà ngoại giao khác cho biết: "Có vẻ như đây là 'một cửa sau' để cố gắng sử dụng số tiền bổ sung dành cho Ukraine cho các khoản chi tiêu khác. 'Tình cờ' là điều đó lại nằm trong danh sách mong muốn của chính Tây Ban Nha".

Các quan chức khác lưu ý rằng ý tưởng "hớt váng" tài sản Nga của Tây Ban Nha là không cần thiết, vì tất cả các nước EU ngoại trừ Hungary đều đã đồng ý tăng tài trợ cho Kiev.

Tây Ban Nha dự kiến ​​​​sẽ đưa ra đề xuất ngân sách mới trước cuộc thảo luận khác giữa các đặc phái viên EU vào hôm nay (6/12). Họ sẽ tiếp tục tranh luận về vấn đề này cho đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo.