EU phân vân: tiếp tục hay chấm dứt hỗ trợ hàng triệu người tị nạn Ukraine?
Kinhtedothi - Đang ngày càng có nhiều tranh cãi xoay quanh việc các nước châu Âu có nên kéo dài cơ chế hỗ trợ cho người dân Ukraine phải rời khỏi đất nước do xung đột hay không.
Theo nguồn tin từ Euractiv, các cuộc thảo luận nội bộ giữa những quốc gia thành viên có thể khởi động ngay từ tháng 6 tới, khi áp lực địa chính trị và gánh nặng xã hội ngày một gia tăng.
Cơ chế hỗ trợ tạm thời (TPD) được EU kích hoạt vào tháng 3/2022 như một phản ứng khẩn cấp trước làn sóng người Ukraine di tản do xung đột. Được thiết lập từ năm 2001, chỉ thị này cho phép cấp phép cư trú tạm thời cùng nhiều quyền lợi đi kèm như tiếp cận nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội. Ban đầu, thời hạn tối đa của TPD là ba năm, kéo dài đến tháng 3 năm 2025, song Ủy ban châu Âu đã quyết định gia hạn thêm một năm, đến tháng 3/2026, bằng cách áp dụng một cách diễn giải linh hoạt hơn.
Tuy vậy, một số quốc gia thành viên và chuyên gia pháp lý đang bày tỏ lo ngại việc kéo dài chỉ thị này có thể khiến EU rơi vào tình trạng lệch hướng so với mục đích ban đầu.
Ông Martin Wagner, cố vấn chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Chính sách Di cư Quốc tế, cảnh báo lần gia hạn gần đây đã đưa EU tới ranh giới pháp lý mong manh. Ông cho rằng cần khẩn trương tổ chức một cuộc thảo luận nghiêm túc về các giải pháp thay thế và lộ trình thoát khỏi tình trạng hỗ trợ tạm thời.

Người tị nạn từ Ukraine bước xuống tàu tại một ga đường sắt ở Ba Lan. Ảnh: Global Look Press.
Tính đến tháng 3/2025, hơn 4,3 triệu người Ukraine đã được cấp quyền hỗ trợ tạm thời tại EU. Trong số này, Đức là quốc gia tiếp nhận số lượng lớn nhất, với hơn 1,2 triệu người. Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã bắt đầu điều chỉnh lại mức độ hỗ trợ, bao gồm cả việc cắt giảm phúc lợi xã hội do lo ngại về tính bền vững ngân sách.
Tại Estonia, những người tị nạn không đăng ký cư trú chính thức tại Tallinn không còn được sử dụng phương tiện giao thông công cộng miễn phí kể từ ngày 1/5. Ngược lại, Romania vừa gia hạn chương trình viện trợ nhân đạo cho người Ukraine dễ bị tổn thương đến hết năm 2025.
Dưới góc nhìn của các nhà ngoại giao EU, nếu không có một kế hoạch rút lui rõ ràng, cơ chế hỗ trợ tạm thời có nguy cơ đi ngược lại mục tiêu ban đầu, gây áp lực nặng nề lên hệ thống tị nạn của các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh đó, Brussels đang xem xét một số phương án cho giai đoạn chuyển tiếp, bao gồm việc điều chỉnh điều kiện hưởng lợi, rút dần các hỗ trợ hiện tại hoặc xây dựng khung pháp lý mới.
Một trong những kịch bản đang được cân nhắc là thu hẹp phạm vi áp dụng chỉ thị bằng cách loại trừ những người đã trở về Ukraine vĩnh viễn hoặc không cho phép người mới đến tiếp cận các quyền lợi như trước. Một lựa chọn khác, dù bị đánh giá là rủi ro, là giữ nguyên hiện trạng - điều có thể dẫn đến gánh nặng tài chính lớn.
Ngoài ra, EU cũng đang thảo luận khả năng xây dựng một văn bản pháp lý mới để thay thế TPD, chẳng hạn như đề xuất về loại "giấy phép tái thiết" - một dạng cư trú tạm thời có hiệu lực kéo dài đến 10 năm, do cựu bộ trưởng Hà Lan Lodewijk Asscher đưa ra.
Đọc thêm: EU tiến sát mục tiêu khí hậu lịch sử
Tuy nhiên, mọi phương án đều đối mặt với những thách thức phức tạp, từ khía cạnh pháp lý đến khả năng triển khai trong thực tiễn. Ông Martin Wagner nhấn mạnh nếu muốn chuyển đổi thành công, EU phải có chiến lược rõ ràng nhằm phân loại người tị nạn theo nhu cầu - những người muốn ở lại lâu dài và những người có nguyện vọng quay về. Các khuyến nghị cụ thể từ Ủy ban và Hội đồng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên quản lý quá trình này một cách hiệu quả.
Dự kiến, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng Tư pháp và Nội vụ EU vào ngày 12 - 13/6. Dù phần lớn các quốc gia thành viên vẫn ủng hộ duy trì cơ chế bảo vệ, xu hướng điều chỉnh có kiểm soát đang ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh tình hình Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, EU buộc phải lựa chọn giữa việc tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và duy trì tính ổn định của hệ thống nội khối.

Châu Âu lo ngại khi Mỹ tính cắt giảm ngân sách cho NASA
Kinhtedothi - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang đánh giá tác động từ đề xuất ngân sách mới của Mỹ, trong đó cắt giảm đáng kể khoản tài trợ dành cho chương trình Mặt trăng Artemis mà ESA là một đối tác quan trọng.

Châu Âu đối mặt khủng hoảng thiếu hụt y tá nghiêm trọng
Kinhtedothi - Châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhân lực y tế khi hàng triệu y tá nghỉ hưu, trong khi người trẻ không muốn gia nhập ngành. Bulgaria là điểm nóng với tỷ lệ y tá giảm mạnh, đe dọa toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Mỹ, châu Âu lên tiếng khi Tổng thống Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Ukraine chấp nhận đề xuất đàm phán của Tổng thống Putin “‘ngay lập tức”, trong khi châu Âu đồng loạt bác đề xuất đàm phán của Nga nếu không có lệnh ngừng bắn trước.