Với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tuyên bố sẽ không tham dự sự kiện ở New Delhi vào tuần tới, Brussels đang tìm cách “nắm bắt thời điểm… để chứng tỏ rằng họ nghiêm túc trong việc xác định lại quan hệ đối tác với Châu Phi", Bloomberg khẳng định trong một bài viết đăng tải hôm 5/9.
Theo các nguồn tin, các quan chức của khối đang lên kế hoạch tổ chức một “hội nghị thượng đỉnh nhỏ” với Liên minh châu Phi (AU), bao gồm 55 quốc gia trong lục địa này, bên lề sự kiện G20 vào ngày 9/9, ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài 2 ngày.
Các nguồn tin cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đại diện cho EU tại cuộc họp.
Đại diện châu Phi được cho là Tổng thống Cyril Ramaphosa của Nam Phi, quốc gia châu Phi duy nhất trong G20, cũng như các nhà lãnh đạo của Ai Cập, Nigeria và Comoros, hiện đang làm chủ tịch AU.
Các nguồn tin cho biết, việc tán thành nỗ lực của AU để trở thành thành viên thường trực của G20 được coi là một trong những mục tiêu chính của “hội nghị thượng đỉnh nhỏ”.
Tư cách thành viên thường trực - thay vì vị thế hiện tại là "tổ chức quốc tế được mời" - sẽ đặt AU ngang hàng với EU trong G20. Theo Bloomberg, động thái này nhằm mục đích mang lại cho Châu Phi “tiếng nói mạnh mẽ hơn” trong những quyết định của các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng đến lục địa này.
Nga cũng quan tâm đến việc Liên minh châu Phi trở thành thành viên của G20, với việc Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết vào tháng 6 rằng việc này sẽ sớm diễn ra và “với sự ủng hộ tích cực” từ Moscow.
Các vấn đề khác sẽ được thảo luận trong “hội nghị thượng đỉnh nhỏ” ở New Delhi bao gồm ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu, cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, cải thiện điều kiện đầu tư ở châu Phi và tình hình ở khu vực Sahel, theo nguồn tin của Bloomberg.
Cả Nga và Trung Quốc gần đây đều tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế với châu Phi. Một thông báo được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào tháng 7 rằng hai quốc gia châu Phi – Ai Cập và Ethiopia – sẽ nằm trong số sáu quốc gia thành viên mới chính thức gia nhập nhóm từ tháng 1/2024.
Vào tháng 7, Hội nghị thượng đỉnh cấp cao Nga-Châu Phi đã diễn ra tại St Petersburg, trong đó Tổng thống Putin khẳng định hai bên đã đồng ý thiết lập “một cơ chế thường trực” để hợp tác trong các vấn đề an ninh – bao gồm cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan – an ninh lương thực , công nghệ thông tin và biến đổi khí hậu. Ông Putin cho biết thêm Nga và châu Phi sẽ “chống lại chủ nghĩa thực dân mới, thực tiễn áp dụng các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và các nỗ lực làm suy yếu các giá trị đạo đức truyền thống”.