EU trước vòng xoáy thuế quan với Mỹ
Kinhtedothi - Những tín hiệu lạc quan về phục hồi kinh tế châu Âu đang đứng trước phép thử nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước cảnh báo áp thuế 30% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 1/8 nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại.
Rủi ro với tăng trưởng kinh tế Eurozone
Nhận xét về mức thuế trong cuộc họp với các bộ trưởng và quan chức của 27 nước thành viên đầu tuần này, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic cho rằng thuế 30% đồng nghĩa với việc hàng hóa khu vực này gần như không thể tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Tổng thống Trump bất bình với khoản thâm hụt hàng hóa 235 tỷ USD với EU bất chấp Mỹ thặng dư về dịch vụ.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/7 cũng lên tiếng cảnh báo về rủi ro kinh tế nghiêm trọng từ lời đe dọa thuế quan mới nhất của ông Trump. Trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 của khu vực đồng euro (Eurozone) gồm 20 thành viên từ mức 1,3% xuống còn 0,9%. Theo chuyên gia kinh tế trưởng về kinh tế châu Âu Bert Colijn tại Ngân hàng ING, nếu mức thuế 30% được Mỹ chính thức áp dụng, tăng trưởng kinh tế EU có thể duy trì ở mức gần như bằng 0 trong thời gian dài. Vị chuyên gia này thậm chí còn cảnh báo về khả năng tăng trưởng âm của khối trong các quý tới.
Giới phân tích cho rằng các ngành công nghiệp chủ lực của châu Âu sẽ chịu tác động trực tiếp, từ rượu vang, hàng xa xỉ đến hóa chất và dược phẩm - những mặt hàng mà ông Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế lên tới 200% trong năm tới. Ngoài ra, mức thuế 25% đối với ô tô châu Âu, bên cạnh mức cơ bản 2,5% hiện hành, vẫn được chính quyền Tổng thống Trump duy trì, cùng với mức thuế 50% đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong năm ngoái khi chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối. Ảnh: Channel4.com
Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, nếu mức thuế 30% được thực thi từ đầu tháng 8 tới, GDP của Eurozone có thể giảm tới 1,2% vào cuối năm 2026. Tác động mạnh nhất dự kiến sẽ xảy ra ngay trong các quý còn lại của năm nay, kéo theo hệ lụy về tâm lý thị trường, lợi nhuận DN và dòng vốn đầu tư. Trong khi đó, Ngân hàng Barclays cho rằng nếu mức thuế 30% hiệu lực, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) phải cắt giảm lãi suất đang ở mức 2% để kích thích kinh tế. "Lạm phát có thể thấp hơn mục tiêu 2% trong thời gian dài, dẫn đến việc nới lỏng tiền tệ, đưa mức lãi khả năng về 1% vào tháng 3/2026" - nhóm chuyên gia của Barclays dự báo.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế EU hiện nay không chỉ là tác động ngay lập tức từ các mức thuế, mà còn là sự đảo chiều tâm lý thị trường và sự sụt giảm lòng tin của nhà đầu tư. Những kỳ vọng lạc quan về khả năng châu Âu “tách biệt” khỏi chính sách bảo hộ của Mỹ có thể sụp đổ nhanh chóng, kéo theo đà bán tháo tài sản rủi ro và suy giảm hoạt động đầu tư trong toàn khu vực.
Tính từ đầu năm đến nay, đồng euro đã tăng hơn 11% so với USD, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ khi đồng tiền chung được phát hành vào năm 2002. Chỉ số chứng khoán châu Âu EURO STOXX 600 nhảy vọt tới 10%, vượt chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đà khởi sắc của cổ phiếu châu Âu có thể “đảo chiều nhanh chóng” nếu căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ tiếp tục leo thang. Cuộc khảo sát thực hiện tháng 7 của Bank of America cho thấy 44% nhà đầu tư tin vào tăng trưởng mạnh hơn tại Eurozone trong năm nay, cao hơn mức 29% hồi tháng 6. Tâm lý lạc quan này đang bị thử thách nghiêm trọng khi nền kinh tế châu Âu có nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột thương mại kéo dài với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
EU lên kế hoạch trả đũa
Hiện triển vọng đàm phán EU - Mỹ trong chưa đầy 2 tuần tới vẫn là ẩn số. Khối này vẫn giữ lập trường sẵn sàng thương lượng nhưng đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa. Sau cuộc họp ngày 14/7, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic cho biết, các quốc gia thành viên đã nhất trí có biện pháp đối phó nếu đàm phán thương mại với Mỹ thất bại.
Theo đó, EC ngày 15/7 đã công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 72 tỷ euro (84 tỷ USD) có thể bị áp thuế. Danh sách bao gồm các mặt hàng công nghiệp trị giá khoảng 65,7 tỷ euro và hàng nông sản trị giá 6,4 tỷ euro. Trong đó, mặt hàng lớn nhất bị nhắm đến là máy bay và linh kiện máy bay với trị giá gần 11 tỷ euro được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hãng sản xuất Boeing của Mỹ. Ngoài ra, EU cũng lên kế hoạch áp thuế với các mặt hàng như ô tô và phụ tùng ô tô, máy móc, hóa chất, thiết bị y tế và điện tử. Đáng chú ý, mặt hàng rượu bourbon - biểu tượng xuất khẩu của Mỹ, cũng bị đưa vào danh sách, bất chấp nỗ lực vận động hành lang từ Pháp và Ireland nhằm loại trừ lĩnh vực đồ uống khỏi đòn trả đũa.
Tổng giá trị của gói thuế trả đũa Mỹ đã được EU điều chỉnh giảm so với đề xuất ban đầu là 95 tỷ euro, nhằm thể hiện thiện chí đàm phán nhưng vẫn giữ được sức nặng trong đối sách thương mại. Một người phát ngôn của EU cho biết, việc lựa chọn các mặt hàng bị đánh thuế dựa trên 3 tiêu chí: một là nhu cầu tái cân bằng thương mại nhằm đối phó với các mức thuế từ Mỹ; hai là khả năng thay thế nguồn cung từ bên trong hoặc ngoài EU; ba là mức độ rủi ro cao về việc chuyển dịch sản xuất khỏi châu Âu.
Tại cuộc họp ở Brussels hôm 14/7, các bộ trưởng châu Âu vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục được Tổng thống Trump và đạt được một thỏa thuận trước thời hạn 1/8. Theo ông Sefcovic, "vẫn còn triển vọng đàm phán" để duy trì mối quan hệ thương mại hai chiều trị giá 1.700 tỷ USD. Tuy nhiên, những thay đổi thất thường trong thái độ của Tổng thống Trump với EU, nơi đôi lúc ông gọi là thân thiện và có thời điểm lại cáo buộc "được thành lập chỉ để hủy hoại Mỹ" khiến mối đe dọa thuế quan mức 30% có thể trở thành sự thực.
Ở góc nhìn khác, một số nhà quan sát cho rằng căng thẳng thuế quan với Washington chính là cú hích mà EU cần để hoàn tất các cải cách nội bộ đã bị trì hoãn lâu nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các rào cản nội khối với dòng chảy tự do hàng hóa và dịch vụ tương đương với mức thuế 44% với hàng hóa và 110% dịch vụ.
Mặc dù vậy, những cải cách được đề xuất như xây dựng thị trường vốn xuyên biên giới tự do hơn gần như không đạt bất kỳ tiến triển nào trong hơn một thập kỷ qua. "Nói thì dễ, làm mới khó. Không có sự đồng thuận để tiến sâu hơn. Các rào cản này là do chính các quốc gia thành viên EU dựng lên để bảo vệ lợi ích riêng" - chuyên gia phân tích chính sách Varg Folkman tại tổ chức tư vấn European Policy Centre nhận định.

EU đáp trả thuế quan của Mỹ: chiến thuật thương mại kiểu Trump trở lại?
Kinhtedothi - EU đang xúc tiến hợp tác với các quốc gia khác để đáp trả “đòn” thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra.

Nguy cơ thuế quan từ Mỹ làm chứng khoán toàn cầu "chao đảo"
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán toàn cầu cuối tuần qua chứng kiến những biến động đáng kể, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, có hiệu lực từ ngày 1/8.

Châu Á xoay trục xuất khẩu giữa cơn địa chấn thuế quan
Kinhtedothi - Đối mặt áp lực từ Mỹ, các nước châu Á đẩy nhanh nỗ lực mở rộng đối tác và giảm phụ thuộc xuất khẩu đơn lẻ.