EU và “canh bạc” Thổ Nhĩ Kỳ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) hy vọng Hội nghị thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/3 có thể chấm dứt sự hỗn loạn của dòng người đang ồ ạt tiến vào Hy Lạp và chặn đứng dòng người di cư qua vùng Balkans để đến Đức.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và Chủ tịch Hội đồng Eu Donald Tusk.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu và Chủ tịch Hội đồng Eu Donald Tusk.
Cuối tuần trước, một chiếc thuyền chở người di cư đã bị lật, khiến 25 người thiệt mạng trên eo biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Thêm vào đó, khoảng hơn 30.000 người đã mắc kẹt ở Hy Lạp do biên giới của nước này với các quốc gia vùng Balkans đã bị đóng lại, trong khi 2.000 - 3.000 người vẫn đến quốc gia này mỗi ngày với hy vọng tiếp cận Bắc Âu. Tại Pháp, việc tháo dỡ khu “ổ chuột” - nơi tạm trú của nhiều người di cư trước khi đến Anh đã vấp phải sự chống trả gay gắt. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng di cư đã vượt quá tầm kiểm soát của các lãnh đạo EU. Do vậy, cuộc họp thượng đỉnh giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh EU rất cần Thổ Nhĩ Kỳ để chặn bớt dòng người di cư. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, EU đang liều lĩnh đặt tất cả vào “canh bạc” Thổ Nhĩ Kỳ và điều này không hề hợp lý.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Brussels thiết lập quy tắc nghiêm ngặt hơn với người di cư đến Hy Lạp và chính thức hóa việc đóng cửa biên giới với những người di cư từ Hy Lạp đến Bắc Âu. Các lãnh đạo EU tái khẳng định với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về việc cung cấp chỗ ở cho hàng ngàn người đang mắc kẹt tại đây.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn như mở rộng các hoạt động hải quân chặn việc đưa người nhập cư lậu trên biển Aegea để bảo vệ vùng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Giới chức Anh cũng thông báo, tàu sân bay RFA Mounts Bay sẽ gia nhập lực lượng tàu hải quân của Đức, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hoạt động trong khu vực.

Đó được coi là cam kết “sát cánh cùng Hy Lạp trong thời khắc khó khăn” nhằm kiểm soát tình hình của hội nghị. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng di cư. Ba tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cung cấp 3 tỷ Euro (tương đương 3,3 tỷ USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy nhanh quá trình đàm phán về việc gia nhập EU của nước này, đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hạn chế dòng người di cư tiến vào châu Âu. Điều này khiến các nhà bình luận cho rằng, EU đã quá phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Đồng thời làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trở nên “sáng giá” và có thể đưa ra nhiều yêu sách.

Trước khi cuộc gặp này diễn ra, một sự kiện đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến EU lưu tâm. Đó là việc chính quyền nước này kiểm soát tờ báo chỉ trích bán chạy nhất là tờ Zaman. Vì vậy, lãnh đạo EU lo ngại sẽ bị “giằng xé” giữa việc phản đối hành động vi phạm quyền con người của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đồng thời cũng không dám “làm găng” vì sợ rằng Thổ Nhì Kỳ sẽ không hợp tác trong việc ngăn người di cư đến Hy Lạp.

Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, thuộc phe tự do trong Nghị viện châu Âu cho rằng, các nhà lãnh đạo EU đã "ngây thơ" khi mạo hiểm tất cả “với một lá bài duy nhất” là Thổ Nhĩ Kỳ. Những chỉ trích này cũng được nhắc lại bởi Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế cho châu Âu Gauri van Gulik: "Sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một bên thứ ba an toàn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư là hoàn toàn vô lý". Theo bà, châu Âu có nhiệm vụ bảo vệ người di cư và phải tự đưa ra quyết định táo bạo để giải quyết vấn đề cấp bách này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần