Châu Âu đối mặt thiếu hụt nguồn cung khí đốt
Các nhà phân tích năng lượng cho biết, mối đe dọa đình công tại các cơ sở khí đốt tự nhiên của Australia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường khí đốt toàn cầu. Trong khi đó, giới thương nhân lo ngại rằng việc ngừng sản xuất kéo dài có thể siết chặt nguồn cung toàn cầu và đẩy giá khí đốt tại châu Âu lên cao hơn.
Theo CNBC, công ty năng lượng khổng lồ Chevron của Mỹ và các công đoàn đại diện cho công nhân tại nhà máy Gorgon và Wheatstone ở Tây Australia đang đàm phán trong tuần này để cố gắng đi đến thỏa thuận về lương và bảo đảm việc làm. Nếu không đạt được thỏa thuận, cuộc đình công tại các cơ sở khí đốt tự nhiên của Australia dự kiến vào thứ Sáu tuần này.
Trong những tuần gần đây, những lo ngại về nguy cơ xảy ra đình công ở Australia - một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới - đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng cao. Các chuyên gia năng lượng dự đoán biến động giá trên thị trường khí đốt châu Âu sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.
Jacob Mandel, cộng tác viên nghiên cứu cấp cao về thị trường năng lượng toàn cầu tại Công ty Aurora Energy Research cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu hiện “rất thắt chặt”. Chính vì vậy, bất kỳ cuộc đình công nào tại các cơ sở sản xuất LNG của Australia đều có thể khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng cao hơn.
Chuyên gia Mandel lưu ý: “Về cơ bản, giá khí đốt đã biến động khá lớn sau những thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất tại hai nhà máy Gorgon và Wheatstone do thị trường đang thiếu sự linh hoạt về nguồn cung”.
Ông cho biết thêm, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng lên hơn 40 euro/MWh nếu các cuộc đình công diễn ra như kế hoạch. Giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan đầu tuần này được giao dịch ở mức 33,5 euro/MWh.
Giá hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF đã tăng mạnh lên khoảng 43 euro/MWh vào tháng trước. Tuy nhiên, giá khí đốt sau đó đã giảm trở lại và hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng đột biến vào mùa Hè năm ngoái khi lên hơn 300 euro/MWh.
“Tôi nghĩ rất khó có khả năng giá sẽ tiến đến gần mức kỷ lục như tháng 9/2022. Giá khí đốt có thể tăng mạnh nếu xảy ra tình huống bất ổn về nguồn cung. Tuy nhiên, ở châu Âu, chúng tôi đã thực hiện nhiều bước để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng như đã xảy ra vào năm ngoái” - ông Mandel nói với CNBC.
Trong khi đó, Kaushal Ramesh, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt và LNG tại Công ty Nghiên cứu Rystad Energy nhận định, những biến động trên thị trường khí đốt trước lo ngại đình công sắp xảy ra tại các cơ sở Gorgon và Wheatstone của Chevron cho thấy sự biến động trong ngắn hạn có thể kéo dài cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận.
Chưa tìm được lời giải cho “bài toán” khí đốt Nga
Xu hướng biến động giá trên thị trường khí đốt châu Âu trong những tuần gần đây xảy ra do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung, trong bối cảnh các nước EU thúc đẩy kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
EU đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga. Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Moscow cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.
Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên tại Công ty Tư vấn Chính trị Eurasia Group cho biết: “Thị trường khí đốt của châu Âu vẫn khá nhạy cảm, thể hiện qua việc giá tăng vọt trong tháng 8 trước nguy cơ đình công tại các cơ sở sản xuất LNG ở Australia”.
Theo chuyên gia Gloystein, “sự gián đoạn thực sự” có thể xảy ra trong mùa Đông này, bao gồm cả việc ngừng hoạt động tại Na Uy do bão mùa Đông, hoặc việc Nga cắt toàn bộ dòng chảy khí đốt còn lại sang châu Âu. Đồng thời, ông cảnh báo rằng việc ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống ở Ukraine hoặc việc đình chỉ vận chuyển LNG của Nga là hai rủi ro lớn nhất với thị trường khí đốt châu Âu.
Trong động thái mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 5/9 đã đề xuất thực hiện lâu dài kế hoạch của EU về mua chung khí đốt nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Tháng trước, EU đã đạt mục tiêu lấp đầy 90% công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt trước thời hạn khoảng 2,5 tháng, củng cố hy vọng khối đã đảm bảo đủ nguồn cung cấp nhiên liệu để giữ ấm cho các gia đình trong mùa Đông.
Mặc dù vậy, EU vẫn lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí Nord Stream 2 dưới Biển Baltic hồi tháng 9 năm ngoái.
Chính sách mua chung nói trên dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Vì vậy, EC đề xuất đưa chính sách này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải tổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU.