Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fed chấp nhận đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái để kiềm chế lạm phát?

Thu Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia kinh tế cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có thể kéo giảm lạm phát mà không phải tiếp tục tăng lãi suất mạnh hơn và gây ra suy thoái kinh tế.

Mỹ khó tránh kịch bản suy thoái nhẹ

Fed khó có khả năng kiểm soát lạm phát mà không đẩy Mỹ vào suy thoái. Ảnh: AP
Fed khó có khả năng kiểm soát lạm phát mà không đẩy Mỹ vào suy thoái. Ảnh: AP

Trong báo cáo "Quản lý Giảm phát" công bố cuối tuần trước, nhóm tác giả gồm 4 nhà kinh tế Stephen Cecchetti, Michael Feroli, Peter Hooper và Kermit Schoenholtz cho biết: “Chúng tôi không tìm thấy trường hợp nào xảy ra tình trạng giảm lạm phát do Fed gây ra mà không dẫn đến suy thoái kinh tế”.

Cựu Thống đốc Fed Frederic Mishkin cũng là một trong số các tác giả của báo cáo này. Báo cáo được đưa ra sau khi xem lại các nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Mỹ nhằm làm suy giảm lạm phát.

Fed đã thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất trong nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức đỉnh trong hơn 4 thập kỷ. Thị trường kỳ vọng sẽ có vài đợt nâng lãi suất nữa trước khi Fed có thể tạm dừng để đánh giá tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ này.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định để đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed vào năm 2025, nền kinh tế Mỹ ít nhất sẽ phải chứng kiến một cơn suy thoái nhẹ. “Mô phỏng mô hình cơ bản của chúng tôi cho thấy Fed sẽ cần thắt chặt chính sách hơn nữa để đạt được mục tiêu lạm phát vào cuối năm 2025. Ngay cả khi giả định kỳ vọng lạm phát ổn định, phân tích của chúng tôi vẫn nghi ngờ về khả năng Fed thiết kế một cuộc hạ cánh mềm, với việc kéo giảm lạm phát ở mức 2% vào cuối năm 2025 mà không có suy thoái nhẹ”.

Báo cáo mới nhất không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ trích chiến lược “kiềm chế lạm phát hoàn hảo” của Fed, tức ổn định giá cả mà không gây tổn thương lớn cho nền kinh tế, là không thực tế.

Fed vẫn lạc quan với mục tiêu “hạ cánh mềm”

Sau khi báo cáo nghiên cứu trên được công bố, một số quan chức Fed đã lên tiếng phản đối. Thống đốc Fed Philip Jefferson cho biết, tình hình hiện tại khác với các đợt lạm phát trước đây, nhấn mạnh lần này ông chú trọng kiểm soát lạm phát so với một số người tiền nhiệm. Ông khẳng định: “Không giống cuối những năm 1960 và 1970, Fed đang giải quyết lạm phát tăng nóng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để duy trì sự tín nhiệm đó và bảo toàn tài sản được neo chặt bởi kỳ vọng lạm phát dài hạn”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài CNBC hôm 24/12, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed tại Cleveland, tuyên bố: “Tôi không thấy rằng chúng ta phải đánh đổi giữa lao động và ổn định giá cả”.

Bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed tại Cleveland. Ảnh: AP
Bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed tại Cleveland. Ảnh: AP

Bà cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc song sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, đồng thời bày tỏ hy vọng Fed có thể đạt được mục tiêu của mình mà không ảnh hưởng đến thị trường lao động vốn phục hồi đáng kinh ngạc bất chấp mọi đợt tăng lãi suất.

Nền kinh tế Mỹ cho đến nay tạm thời “yên ổn” sau hàng loạt đợt tăng lãi suất liên tục của Fed vào năm ngoái, đẩy lãi suất chuẩn qua đêm của Fed từ gần bằng 0 lên biên độ 4,5-4,75% hiện tại.

Một số thành phần kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực nhà ở, bị ảnh hưởng nặng nề khi tín dụng thắt chặt, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn không tăng lên và tăng trưởng nhìn chung vẫn ổn định. Điều đó khiến các quan chức Fed kỳ vọng về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”, tức suy yếu mà không rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tuy nhiên, khả năng chống đỡ tốt đó của nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với áp lực lạm phát dai dẳng, đặt ra câu hỏi liệu Fed có cần phải tăng lãi suất cao hơn dự đoán và gây ra tổn thất lớn hơn cho nền kinh tế hay không.