Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fed đã tác động gì khiến chứng khoán Mỹ tăng liền 3 phiên?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall khởi sắc trong bối cảnh thị trường hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chứng khoán Mỹ leo dốc mạnh trong phiên ngày 10/1. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ leo dốc mạnh trong phiên ngày 10/1. Ảnh: Reuters

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 10/1 khi số liệu kinh tế quan trọng và kết quả kinh doanh của các tên tuổi lớn sẽ được công bố trong tuần này.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones tăng 186,45 điểm (tương đương 0,56%) lên mức 33.704,10 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 0,70% lên 3.919,25 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 1,01% lên 10,742.63 điểm, phiên tăng thứ ba liên tiếp của Nasdaq, khi lạc quan về sự suy yếu của lạm phát khuyến khích nhà đầu tư gom mua những cổ phiếu công nghệ đã bị giảm giá sâu. Đây là chuỗi ba phiên tăng đầu tiên của Nasdaq Composite kể từ tháng 11/2022.

Đà tăng phiên 10/1 lan rộng ra hầu hết nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó cổ phiếu viễn thông là nhóm đi lên mạnh nhất với mức tăng 1,29%.

Nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones bày tỏ lạc quan về thị trường chứng khoán sáng 10/1, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Mặc dù không đưa ra dự báo cụ thể, song vị tỷ phú này nhận định nhu cầu với cổ phiếu ở Phố Wall trong năm nay là rất lớn từ mua lại cổ phiếu của các công ty niêm yết và các vụ sáp nhập doanh nghiệp.

“Nhu cầu tăng thêm đối với cổ phiếu Mỹ có lẽ sẽ lên tới gần 1.000 tỷ USD… Thị trường chứng khoán sẽ tăng 7-8% trong năm nay” - ông Jones nói với đài CNBC.

Bước sang đầu năm 2023, giới đầu tư chứng khoán Mỹ đã lo ngại các đợt tăng lãi suất của Fed có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng và Fed sẽ không cần thắt chặt tiền tệ quá mạnh tay như lo ngại trước đó.

Thị trường đang chờ báo cáo lạm phát tháng 12 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo tài chính của một số ngân hàng lớn dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu để đánh giá tình hình kinh tế và dự báo hướng đi của Fed.

Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence Capital Advisors nhận xét: “Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ có thể sẽ giằng co trong vùng hẹp và không rõ xu hướng cho tới khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố và mùa báo cáo kết quả kinh doanh bắt đầu vào cuối tuần này. Tôi cho rằng thị trường hiện đang ở trong trạng thái chờ đợi và nghiền ngẫm những phát biểu gần đây của các quan chức Fed”.

Theo dự báo của giới phân tích, CPI tháng 12/2022 của Mỹ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 7,1% ghi nhận trong tháng 11.

Phát biểu trước Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) hôm 10/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh về tính độc lập chính trị của một ngân hàng trung ương khi đối phó với lạm phát cao dai dẳng, tức là các nhà hoạch định chính sách không được nhượng bộ vì áp lực chính trị.

Theo Chủ tịch Fed, nỗ lực ổn định giá cả đòi hỏi ngân hàng trung ương Mỹ  phải đưa ra những quyết định khó khăn và có thể chịu nhiều sự phản đối về mặt chính trị. “Sự ổn định giá cả là nền tảng của một nền kinh tế khỏe mạnh và đem lại lợi ích vô hạn cho người dân. Tuy nhiên, việc ổn định giá cả khi lạm phát cao kỷ lục có thể đòi hỏi phải thực hiện những biện pháp không được sự ủng hộ trong ngắn hạn khi chúng ta nâng lãi suất và giảm tốc nền kinh tế” - ông Powell nói.

Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế sắp xảy ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý IV/2022 có thể đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, theo dữ liệu GDPNow của Fed tại Atlanta.