Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới bất ngờ leo thang, các nhà phân tích nhận định rằng FED có thể phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức cần thiết để bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi rủi ro từ chính sách thương mại.
Thương chiến Mỹ - Trung bước vào “mặt trận mới”
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington dâng lên cao trào trong những ngày gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9 tới. Thậm chí, sau đó ông Trump còn tuyên bố mức thuế có thể vượt xa 25%.
Hành động này đã phá vỡ thỏa thuận “đình chiến” mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được vào cuối tháng 6 vừa qua. Trong khi tranh chấp thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ hôm 5/8 chính thức xác nhận Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1994, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ tồn tại song song với cuộc thương chiến.
Nhằm trả đũa gói thuế quan mới của Washington , Trung Quốc tuyên bố cho phép đồng NDT phá ngưỡng 7 NDT/USD và yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua các mặt hàng nông sản của Mỹ và không loại trừ khả năng tăng thuế đối với loại hàng hóa này. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu hôm 5/8 là 6,9225 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Giới chuyên gia nhận định những diễn biến leo thang dồn dập vừa qua cho thấy mức độ nghiêm trọng của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã tăng lên một cấp và sẽ rất khó để đảo ngược. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái.
“FED sẽ phải hạ lãi suất về 0%”
Cảnh báo áp thêm gói thuế mới của ông Trump khiến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm. Diễn biến mới nhất này cũng khiến các nhà đầu tư toàn cầu đảo ngược quan điểm về triển vọng lãi suất của FED.
Trước đó, thị trường tương lai lãi suất đã bị tổn thương sau tuyên bố của Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng, động thái cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản của ngân hàng trung ương chỉ xem như một chính sách bảo hiểm, là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ”, chứ không phải bắt đầu một chu kỳ nới lỏng kéo dài.
Tuy nhiên, các thị trường trong tuần này gia tăng kỳ vọng rằng FED thực sự sẽ cần nới lỏng chính sách mạnh hơn để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi rủi ro từ chính sách thương mại của ông Trump. “Thông báo của ông Trump làm tăng rủi ro đối với kinh tế Mỹ, vì vậy FED có thể phải cắt giảm lãi suất hơn 75 điểm cơ bản trong năm nay”, chuyên gia kinh tế cấp cao Brett Ryan của Deutsche Bank nhận xét.
FED hiện đang chịu sức ép lớn từ Tổng thống Trump, người đã nhiều lần chỉ trích Chủ tịch FED Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn.
Trong một động thái mới nhất gây thêm áp lực đối với FED, người đứng đầu Nhà Trắng hôm 7/8 yêu cầu ngân hàng trung ương Mỹ phải tăng cường kích thích cho nền kinh tế. Ông Trump cũng lưu ý thêm rằng ba ngân hàng trung ương Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand vừa hạ lãi suất, có thể do cảm nhận tác động của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sự sụt giảm thương mại.
Giới phân tích cho rằng FED dù muốn khẳng định sự độc lập của mình, song cũng đang bị giằng xé bởi những dữ liệu trái chiều của kinh tế Mỹ và toàn cầu. Trong khi đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất ngờ bước sang một cấp độ mới có thể khiến FED phải nới lỏng nhanh và mạnh hơn dự kiến.
Trong khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang và các chỉ số kinh tế Mỹ kém khả quan, thị trường Phố Wall đang bắt đầu dự báo về những đợt cắt giảm lãi suất quyết liệt của FED.
Một báo cáo mới đây của Bank of America Merrill Lynch cho rằng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới là 30%.
Chiến lược gia Hans Mikkelsen của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch cho rằng FED dường như đang sẵn sàng tiếp tục thực hiện thêm đợt cắt giảm lãi suất khi căng thẳng thương mại trở thành “cơn gió ngược” đối với tăng trưởng kinh tế.
Thậm chí, ngân hàng Morgan Stanley hôm 12/8 dự báo FED sẽ hạ lãi suất về 0%.
Morgan Stanley dự báo FED sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 9 và tháng 10, trước khi có thêm 4 lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm 2020, đưa lãi suất tham chiếu về ngưỡng 0%.
Tháng 7 vừa qua, FED có đợt hạ lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008, sau khi nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018.
"Nếu nhìn vào bản danh sách những nhân tố mà FED cần phải xem xét để làm cơ sở cho việc điều chỉnh lãi suất, có thể thấy rõ sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất thêm", chuyên gia kinh tế Ellen Zentner của Morgan Stanley phát biểu.
Theo bà Zentner, trong các đợt hạ lãi suất sắp tới, FED nhiều khả năng sẽ đưa ra mức cắt giảm "chuẩn" 0,25 điểm phần trăm mỗi đợt, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng mức cắt giảm lớn hơn, chẳng hạn 0,5 điểm phần trăm./.