Lạm phát vẫn dai dẳng
Một chuỗi dữ liệu lạm phát đáng thất vọng đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải điều chỉnh số lần cắt giảm lãi suất và đánh giá lại quỹ đạo tăng trưởng của giá cả.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã củng cố thông điệp đó vào tuần trước khi nhận định, có thể sẽ “mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để Ngân hàng trung ương của Mỹ đủ tự tin bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuyên bố mới nhất của người đứng đầu Fed đã làm tiêu tan kỳ vọng về 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk tại KPMG nói với tờ Bloomberg rằng phát biểu của ông Powell được xem là sự xác nhận Fed sẵn sàng chờ đợi.
Các quan chức Fed ngày càng bày tỏ lo ngại lãi suất cao không thể kiềm chế nhu cầu, làm gia tăng lo lắng của các nhà đầu tư và nhà phân tích rằng Fed có thể phải tăng lãi suất hơn nữa.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều nói rõ rằng họ kỳ vọng lãi suất đã đạt mức cao nhất. Tuy nhiên, một số quan chức Fed gần đây lên tiếng ủng hộ ý tưởng duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn nếu cần thiết để kiềm chế tăng trưởng giá cả.
Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết, việc tăng lãi suất không phải là kỳ vọng cơ bản của ông, song điều này có thể xảy ra nếu dữ liệu kinh tế đảm bảo lãi suất cao hơn để đưa lạm phát sớm quay về mức mục tiêu 2% của Fed.
Theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế hiện kỳ vọng Fed sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, giảm so với 3 lần trong dự báo hồi tháng 3.
Trong tháng 3/2024, CPI của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so với dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%. Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi cũng tăng 0,4% so với tháng 2 và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Lạm phát được cho là sẽ dai dẳng hơn nhiều so với dự đoán trong vài tháng tới khi nền kinh tế và thị trường lao động mạnh mẽ.
Ông Steve Englander, chuyên gia trưởng kinh tế vĩ mô khu vực Bắc Mỹ tại Ngân hàng Standard Chartered, nói rằng dữ liệu CPI tháng 3 “làm tăng khả năng lạm phát đang tỏ ra khó kiểm soát hơn dự báo của Fed”. “Triển vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách ngày càng mờ nhạt. Thậm chí, khả năng lạm phát vẫn tăng nhiệt có nguy cơ buộc Fed phải trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất sang năm 2025” - vị chuyên gia của Standard Chartered cho hay.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo 2,1% vào tháng trước.
Lãi suất cao sẽ được duy trì
Chủ tịch Fed tại Cleveland Loretta Mester cho biết, bà đã điều chỉnh lại dự báo về lãi suất quỹ liên bang dài hạn tại cuộc họp vào tháng trước. Bà trích dẫn khả năng phục hồi của nền kinh tế khi đối mặt với lãi suất cao hơn, cũng như ước tính lãi suất trung lập ngày càng tăng - đạt mức cho vay không kích thích, hạn chế hoạt động.
Cũng có quan điểm tương tự, chuyên gia kinh tế cấp cao Jonathan Millar tại ngân hàng Mỹ Barclays lưu ý: “Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, dường như chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed không tạo ra nhiều sự khác biệt”.
Có 8 nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến lãi suất quỹ liên bang dài hạn sẽ trên 2,5%, mức trung bình trong hầu hết 5 năm qua, trong khi chỉ có bốn nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo này vào một năm trước.
“Tại sao Fed phải cắt giảm lãi suất khi chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng tích cực? Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể không thực sự phải cắt giảm nhiều khi lãi suất trung lập đã tăng lên” - giáo sư kinh tế Michael Bordo tại Đại học Rutgers cho biết.