Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày hôm 14/12, Fed đã quyết định nâng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 15 năm. Động thái mới nhất của Fed cho thấy cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc dù đã có dấu hiệu tích cực trong những tháng gần đây.
Theo CNBC, đúng như kỳ vọng của thị trường, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã tăng lãi suất thêm 0,5%, đưa phạm vi mục tiêu lên 4,25% đến 4,5%. Quyết định này đã kết thúc 4 đợt tăng 0,75% liên tiếp với những động thái chính sách cứng rắn chưa từng có kể từ những năm 1980.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định mục tiêu quan trọng của ngân hàng trung ương là kiểm soát lạm phát trong dài hạn. “Dữ liệu lạm phát trong tháng 10 và tháng 11 hạ nhiệt là dấu hiệu đáng hoan nghênh, song Fed cần thêm nhiều bằng chứng rõ ràng hơn về việc lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”.
Với dao động trong khoảng 4,25-4,5%, lãi suất cơ bản ở Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2007. Đây là thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ở lần này, Fed cũng tăng lãi suất trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy năm 2023 sẽ phải đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế.
Phát tín hiệu hạ lãi suất vào năm 2024
Tín hiệu phát đi từ cuộc họp cho thấy giới chức Fed dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất cao hơn trong cuộc họp tới và không hạ lãi suất cho đến năm 2024. Theo biểu đồ dot plot của FMOC, “mức lãi suất tối đa” dự kiến là 5,1%, tức là sau đó các quan chức mới kết thúc đợt tăng lãi suất. Theo đó, lãi suất cơ bản của Mỹ trong năm tới có thể dao động trong khoảng 5%-5,25%
Bên cạnh đó, các quan chức Fed cũng đồng thuận về việc thực hiện các đợt hạ lãi suất 1% vào năm 2024, đưa phạm vi xuống 4,1% vào cuối năm đó. Tiếp theo đó là những đợt giảm khác vào năm 2025, đưa lãi suất xuống 3,1% và cuối cùng chạm mục tiêu dài hạn là 2,5%.
Thông báo chính sách của FOMC hầu như không có thay đổi so với cuộc họp tháng 11. Một số nhà quan sát thị trường dự đoán Fed sẽ thay đổi cách dùng từ về "mức tăng liên tục" nhưng cụm từ này vẫn xuất hiện.
Các quan chức Fed đánh giá rằng tăng lãi suất sẽ giúp dòng tiền "được rút bớt" khỏi nền kinh tế, từ đó hạ nhiệt nhu cầu và đẩy giá cả xuống thấp hơn sau khi lạm phát chạm mức cao nhất trong hơn 40 năm.
FOMC đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023, dự kiến ở mức 0,5%, cao hơn một chút so với mức được coi là suy thoái. Triển vọng GDP năm nay cũng là 0,5%. Ở dự báo hồi tháng 9, GDP năm nay tăng 0,2% và 1,2% trong năm tới.
Ngoài ra, FOMC cũng nâng dự đoán trung bình đối với CPI lõi lên 4,8%, cao hơn 0,3% so với nhận định hồi tháng 9. Ủy ban cũng giảm nhẹ dự báo về tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay và nâng một chút cho những năm tiếp theo.
Quyết định tiếp tục tăng lãi suất được Fed đưa ra sau khi các số liệu mới được công bố cho thấy cuộc chiến chống lạm phát đã có hiệu quả. Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 11 chỉ tăng 0,1% và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi tăng 6%. Cả 2 thước đo đều đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Chỉ báo được Fed quan tâm hơn là CPE đã giảm xuống mức 5% so với năm trước vào tháng 10.
Tuy nhiên, những số liệu trên vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Các quan chức đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải thấy lạm phát liên tục giảm trong nhiều tháng và cảnh báo không nên quá lạc quan về các xu hướng chỉ diễn ra trong vài tháng.
Hơn nữa, Fed vẫn nhận thấy cần tiếp tục thắt chặt chính sách, khi hoạt động tuyển dụng vẫn diễn ra mạnh mẽ và người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu mạnh tay. Số lượng việc làm phi nông nghiệp đã tăng nhanh hơn dự kiến, lên đến 263.000 trong tháng 11. Doanh số bán lẻ tăng 1,3% trong tháng 10 và cao hơn 8,3% so với năm trước, cho thấy người tiêu dùng vẫn "ổn" trong cơn bão lạm phát.
Trong năm 2021, Fed đánh giá xu hướng tăng giá chỉ là "nhất thời", sau đó đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm nay. Đợt tăng đầu tiên chỉ nhằm mục đích "thăm dò", sau đó là những động thái cứng rắn hơn với 4 lần nâng 0,75%. Trước thời điểm năm nay, Fed đã không tăng lãi suất quá 0,25% trong suốt 22 năm.
Fed cũng thực hiện quá trình "thắt chặt định lượng", khi họ nhận lại tiền gốc từ trái phiếu đáo hạn để thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán mỗi tháng chứ không tái đầu tư. Số tiền giới hạn được rút ra mỗi tháng là 95 tỷ USD, theo đó giá trị bảng cân đối kế toán giảm 322 tỷ USD kể từ đầu tháng 6 và hiện ở mức 8,63 nghìn tỷ USD.