FED sẽ tăng lãi suất mạnh nhất từ năm 2000 để “ghìm cương” lạm phát?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến ​​sẽ có đợt nâng lãi suất lớn nhất kể từ năm 2000 khi kết thúc cuộc họp chính sách trong tuần này nhằm hạ nhiệt mức lạm phát đang lập kỷ lục hơn 40 năm qua.

Theo dự báo, trong cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 3-4/5 (giờ Mỹ), FED sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và công bố kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán hiện có quy mô gần 9 nghìn tỷ USD với tốc độ 95 tỷ USD mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 6.

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: FT
Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: FT

Cả hai động thái trên sẽ siết chặt hơn nữa các điều kiện cho vay tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và có khả năng hạn chế được đà tăng chóng mặt của giá tiêu dùng. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng nước này trong tháng 3/2022 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 1981. Việc tăng lãi suất dự kiến là một trong số những chính sách chính của FED trong năm nay.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo FED đang ở vào thế khó khi vừa phải hạn chế đà tăng liên tục của lạm phát, vừa đảm bảo ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy giảm, trong khi nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với nhiều cú sốc bên ngoài, như xung đột Nga-Ukraine và các lệnh phong tỏa ngừa Covid-19 ở Trung Quốc.

"Suy thoái kinh tế ở giai đoạn này gần như là không thể tránh khỏi. Đó là một tình cảnh khó khăn và đầy thử thách. Nhưng thật không may, tôi nghĩ rằng xác suất xảy ra suy thoái là vô cùng cao và họ cũng không làm được gì nhiều trước tình cảnh đó. Tất cả những gì họ có thể kiểm soát là tổng cầu" - cựu Phó chủ tịch FED, Roger Ferguson, nói với đài CNBC trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/5.

Trên thực tế, chính phần cung có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát vì phần cầu về hàng hóa đã vượt xa phần cung một cách ấn tượng trong nền kinh tế của kỷ nguyên hậu Covid-19.

Trong phần lớn thời gian năm 2021, các quan chức FED đều khẳng định lạm phát chỉ là "tạm thời" và vấn đề này có thể sẽ biến mất khi các điều kiện thị trường trở lại bình thường. Tuy nhiên, sang đến năm 2022, quan điểm của FED bất ngờ thay đổi và thừa nhận rằng lạm phát trở thành vấn đề dai dẳng hơn dự báo. Trong cuộc họp chính sách tháng 3, FED đã quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm để kiểm soát lạm phát và đặt mục tiêu tăng tổng cộng ít nhất 2 điểm phần trăm trong những tháng tới.

Tại cuộc họp chính sách lần này, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ phải giải thích tất cả những điều đó với người dân Mỹ, chứng minh rằng ngân hàng T.Ư đang quyết tâm siết chặt lạm phát mà không bóp nghẹt nền kinh tế, bởi các chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đang bị tổn thương bởi các cú sốc.

Giới phân tích và nhà đầu tư thậm chí còn lo ngại rằng FED sẽ thể hiện quan điểm “diều hâu” hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo kết quả khảo sát FED Survey của CNBC, phần lớn các nhà dự báo tham gia cho rằng FED sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp chính sách tháng 6 tới. Hầu hết các nhà dự báo đều đồng ý rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ở cuối chu kỳ thắt chặt này của FED.

Trên thị trường Phố Wall, thậm chí đã xuất hiện những dự báo cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6. “Chúng tôi cho rằng hoặc FED sẽ phải thắt chặt nhiều hơn dự kiến để đưa lạm phát về mục tiêu mà họ đã đề ra. Chúng tôi dự đoán FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, thậm chí mức cao hơn trong cuộc họp chính sách tháng 6” - Mark Cabana, người đứng đầu chiến lược lãi suất ngắn hạn của Bank of America, nhận định.

FED dự báo mức lạm phát sẽ đạt 2,3% vào năm 2024 và quay trở lại mục tiêu 2% của FED trong những năm tiếp theo.