Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh tập thể tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh ở Rome, Italia. Ảnh: Reuters) |
Lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 30/10 đã đồng ý cung cấp thêm vaccine Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn, bên cạnh các thỏa thuận quan trọng khác.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh tổ chức trực tiếp đầu tiên sau hai năm, các nhà lãnh đạo Nhóm G20 nhất trí thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, ủng hộ lời kêu gọi gia hạn xóa nợ cho các nước nghèo và cam kết hỗ trợ để 70% dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào giữa năm 2022.
Trong các thỏa thuận được đưa ra, thỏa thuận thuế doanh nghiệp được ca ngợi là bằng chứng về sự phối hợp đa phương của các nước. Với chương trình này, các tập đoàn lớn phải đối mặt với mức thuế tối thiểu 15% ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động kể từ năm 2023, điều này ngăn họ cố gắng trốn thuế ở các tổ chức nước ngoài.
“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận lịch sử về một hệ thống thuế quốc tế công bằng hơn và hiệu quả hơn”, Thủ tướng Italia Mario Draghi cho biết trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Roma ngày 30/10.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp ngăn chặn các công ty chuyển việc làm hoặc lợi nhuận ra nước ngoài để tránh phải nộp thuế.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden là một trong những nhà lãnh đạo đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy thỏa thuận này cán đích. "Đây không chỉ là một thỏa thuận thuế - đó là sự ngoại giao định hình lại nền kinh tế toàn cầu và mang lại lợi ích cho người dân" – Tổng thống Biden viết trên trang trên Twitter hôm 30/10.
Trong bối cảnh thế giới đang gặp khó khăn vì giá năng lượng tăng kỷ lục và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, Tổng thống Biden dự kiến kêu gọi các nhà sản xuất năng lượng của G20 thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nga và Rập Saudi, nhằm đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhóm G20 chưa tìm được biện pháp mới đủ mạnh mẽ để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ngay trước thềm hội nghị quan trọng về khí hậu của Liên hợp quốc sẽ khai mạc vào ngày 1/11, theo Reuters.
Italia, nước chủ trì cuộc họp tại Rome, đặt sức khỏe và nền kinh tế lên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngày đầu tiên. Nhấn mạnh rằng khủng hoảng Covid-19 có thể sắp chấm dứt trên toàn thế giới, các bác sĩ và nhân viên Chữ Thập Đỏ cùng các nhà lãnh đạo chụp bức ảnh tập thể truyền thống thể hiện sự tôn vinh những hy sinh và nỗ lực của các y bác sĩ trên toàn cầu.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Italia Mario Draghi nhấn mạnh, các chính phủ phải làm việc cùng nhau để đối mặt với những thách thức ghê gớm của mỗi quốc gia: "Từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu đến việc đánh thuế công bằng và bình đẳng, đi một mình không phải là một lựa chọn".
Bản dự thảo chung do Reuters tiết lộ cho biết các nước G20 sẽ đẩy mạnh nỗ lực để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C - mức mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh nguy cơ biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G20 dự kiến sẽ cam kết ngừng tài trợ cho sản xuất nhiệt điện than ở nước ngoài vào cuối năm nay và đặt mục tiêu chấm dứt việc xây dựng các nhà máy điện than mới trước cuối những năm 2030.
Nhóm G20, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ, đang chiếm khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chính vì vậy, cuộc họp thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này được coi là bước đệm quan trọng cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc với sự tham dự của gần 200 quốc gia, tại Glasgow, Scotland.